Mưu sinh với nghề nguy hiểm - Kỳ 9: Thợ lặn khắc phục sự cố công trình

07/10/2014 03:00 GMT+7

Lặn vốn là nghề nhiều bất trắc, nhưng lặn khắc phục sự cố công trình thì sự nguy hiểm nhân lên gấp bội. Tai nạn dẫn đến chết người, hoặc trở thành phế nhân suốt đời... là những hiểm nguy thợ lặn luôn đối mặt.

Chuẩn bị kỹ lưỡng các trang phục bảo hộ trước khi thực hiện lặn xử lý sự cố công trình - Ảnh: Lê Văn Quyền cung cấp

“Dễ tắc nghẽn mạch máu”

May mắn cho người viết khi tìm hiểu về nghề lặn được gặp anh Lê Văn Quyền (42 tuổi, trú Q.Thanh Khê, Đà Nẵng) với thâm niên 20 năm làm nghề lặn khắc phục sự cố hàng trăm công trình cầu cảng, thủy điện trên toàn quốc. Anh Quyền cũng quản lý một nhóm thợ lặn 15 người, chuyên thực hiện những dịch vụ thi công lặn, xử lý các sự cố công trình cầu cảng, các công trình thủy điện...

Những câu chuyện về nghề của anh Quyền, anh Nguyễn Thảo, anh Phạm Đình Thành... như những thước phim mạo hiểm, người nghe không khỏi rùng mình vì những hiểm nguy mà họ phải đối mặt.

Công việc gần đây nhất mà anh Quyền cùng các đồng nghiệp nhận làm là lặn xuống cầu vượt ngã ba Huế (Đà Nẵng) để khắc phục sự cố khi khoan phía dưới chân. Đứng trên bờ, nhìn xuống lòng nước đầy bùn đất, chúng tôi không hình dung ra các thợ lặn phải làm việc như thế nào trong điều kiện mọi thứ đều mịt mù như vậy. Những thợ lặn trong bộ đồ bảo hộ lặn chuyên nghiệp từ từ neo theo dây xuống lòng nước. Trước đó, “kịch bản” xử lý đã được các anh bàn bạc với nhau thật kỹ lưỡng, để ngay khi xuống hiện trường là thực hiện ngay, không một phút nghĩ ngợi vì ở độ sâu hơn 30 m thợ lặn chỉ có thể trụ lại trên dưới 10 phút để khắc phục.

Trong phút nghỉ ngơi, anh Nguyễn Thảo kể thêm về nghề, những sự cố công trình xảy ra ở mực nước trên 20 m thì thợ lặn có thể trụ dưới nước 4 - 5 giờ đồng hồ để khắc phục. Nhưng với những sự cố ở mực nước 30 - 60 m thực sự là thách thức đối với những thợ lặn. Những việc hàn, cắt, xử lý mố khoan... thực hiện ngay dưới lòng nước và thời gian chỉ khoảng 10 phút, nên mọi thao tác phải nhanh, linh hoạt, chắc chắn... Anh Quyền cho biết thêm, nếu lặn ở độ sâu trên 20 m thì thợ lặn sau khi lên bờ phải đợi 12 tiếng sau mới được lặn ca tiếp theo, nếu không sẽ ảnh hưởng đến tính mạng.

“Thông thường, nếu lặn sâu ở mực nước trên 20 m chúng tôi đều chuẩn bị mọi dụng cụ bảo hộ rất kỹ lưỡng. Càng xuống sâu, áp lực nước càng mạnh, lực nén mạnh, sinh ra những bệnh giảm áp do giảm áp suất, dễ dẫn đến tắc nghẽn mạch máu, xâm xoàng từ dưới nước, rất nguy hiểm. Bên cạnh đó, càng xuống dưới nước sâu thì trí nhớ giảm sút mạnh. Chính vì vậy mà ngoài sức khỏe, người làm nghề lặn phải đảm bảo cả những tiêu chí như kinh nghiệm, xử lý linh hoạt, bình tĩnh trong mọi tình huống”, anh Quyền chia sẻ và đúc kết: “Do đặc thù công việc nên thợ lặn dân gian thì rất nhiều, nhưng để tuyển người làm được nghề lặn nước xử lý sự cố công trình thì vô cùng khó khăn”.

Sinh nghề, tử nghiệp

Nói về sự hiểm nguy của nghề, những thợ lặn mà tôi có dịp tiếp xúc đều có chung suy nghĩ: “Đã chấp nhận nghề nghĩa là chấp nhận đánh đổi để mưu sinh”.

Như anh Lê Văn Quyền, với thâm niên 20 năm và được đào tạo bài bản nhưng cũng không tránh khỏi những tình huống sinh mạng “ngàn cân treo sợi tóc”. Lần thoát chết khiến anh nhớ mãi là lặn khắc phục sự cố ở công trình thủy điện Hòa Bình. Lần đó, anh lặn xuống độ sâu hơn 45 m, nhưng lại sử dụng thiết bị của Trung Quốc chỉ đảm bảo lặn ở độ sâu

20 - 25 m, nên khi xuống sâu anh bị nước vào mặt nạ thở, dẫn đến sặc nước. Lúc đó, với kinh nghiệm lão luyện, anh phát tín hiệu lên trên và rất may được đồng nghiệp kéo lên kịp thời, được đưa đi cấp cứu và bảo toàn tính mạng. Sau tai nạn đó, nhiều người tưởng anh bỏ nghề, nhưng anh vẫn bám nghề bởi “đây là nghiệp”.

Chuyện của anh Phạm Đình Thành (quê Ba Đồn, Quảng Bình) còn nguy hiểm hơn. Năm 2010, khi thi công cầu Rồng thì anh Thành tham gia lặn khắc phục dưới mặt nước hơn 30 m. Do không có kinh nghiệm, nên thay vì lên mặt nước từ từ, anh Thành trồi lên nhanh và bị giảm áp đột ngột, không thể thở. Một thợ lặn chuyên nghiệp vội ôm anh Thành nhảy xuống sâu hơn mực nước anh vừa lặn và giúp anh giảm áp từ từ nên cứu được mạng. “Rất nhiều người tử vong vì không biết nguyên tắc giảm áp. Khi ở độ sâu trên 30 m, thợ lặn bị sức ép của nước, nếu trồi lên nhanh quá sẽ lập tức bị giảm áp và đứt mạch máu mà chết, không thì cũng sống đời sống thực vật. Thợ lặn phải giảm áp từ từ bằng cách lên theo nguyên tắc cách 5 m thì dừng lại để giảm áp. Nhiều người lặn dưới nước sâu không bị gì, nhưng khi lên đến mặt nước thì đột tử cũng do không nắm nguyên tắc này”, anh Thảo thoáng rùng mình khi nhắc về những tai nạn mà đồng nghiệp từng gặp.

Rúng động giới thợ lặn trong một thời gian dài có lẽ là câu chuyện của thợ lặn Nguyễn Văn Đấu (quê Thanh Hóa) vào tháng 11.2010, khi đang lặn xuống sông Hàn, vào trong ống vách công trình cầu Trần Thị Lý (Đà Nẵng) để móc cầu gầu khoan ở độ sâu 32 m. Anh Đấu thực hiện 2 lần móc, lần đầu tiên thành công, nhưng lần thứ hai thì người theo dõi trên bờ không thấy anh Đấu lên liền thông báo khẩn. Một thợ lặn khác được điều xuống vị trí của anh Đấu thì phát hiện anh bị đứt ống thở, ngộ độc khí và bị kẹt trong ống vách dẫn đến bị ngạt mà tử vong. “Khi đưa anh Đấu lên, tôi cùng những thợ lặn như chết lặng. Sinh nghề, tử nghiệp là vậy”, anh Quyền nói và thở dài. 

Diệu Hiền

>> Mưu sinh với nghề nguy hiểm - Kỳ 7: Kiếm sống trên cây thốt nốt
>> Mưu sinh với nghề nguy hiểm - Kỳ 8: Ăn cơm dương gian, làm nghề âm phủ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.