Mỹ bác yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông

Khánh An
Khánh An
14/01/2022 06:41 GMT+7

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa công bố báo cáo mới đề cập chi tiết và bác bỏ các yêu sách phi pháp của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hãng AFP ngày 13.1 dẫn nghiên cứu của Cục Các vấn đề đại dương, khoa học và môi trường quốc tế thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ bác bỏ các yêu sách phi pháp về địa lý và lịch sử của Trung Quốc ở Biển Đông. Nghiên cứu dài 47 trang được xem là chi tiết nhất từ trước đến nay, nêu 4 yêu sách hàng hải của Trung Quốc và phân tích vì sao từng yêu sách đều phi pháp.

Trái luật pháp quốc tế

Liên quan các thực thể trên biển, nghiên cứu của Mỹ cho rằng Trung Quốc yêu sách “chủ quyền” đối với hơn 100 thực thể ở Biển Đông, vốn chìm dưới mặt biển và nằm ngoài giới hạn hợp pháp của lãnh hải thuộc bất kỳ quốc gia nào, nên không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trung Quốc bồi đắp phi pháp tại đá Xu Bi trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam

AMTI

Về đường cơ sở thẳng, Trung Quốc đã vẽ hoặc khẳng định quyền được vẽ “các đường cơ sở thẳng” bao quanh các đảo, vùng nước và những thực thể chìm trong các vùng không gian đại dương rộng lớn ở Biển Đông. Không có nhóm nào trong số 4 “nhóm đảo” mà Trung Quốc yêu sách chủ quyền ở Biển Đông đáp ứng các tiêu chí địa lý cho việc sử dụng các đường cơ sở thẳng theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982. Ngoài ra, không có quy chế tập quán quốc tế đặc biệt nào ủng hộ quan điểm của Trung Quốc rằng nước này có thể xác định các đường cơ sở thẳng bao quanh các nhóm đảo.

Về các vùng biển, Trung Quốc khẳng định những yêu sách chủ quyền đối với nội thủy, lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, dựa trên việc coi mỗi nhóm đảo trên Biển Đông mà nước này yêu sách chủ quyền là “một thực thể đơn nhất”. Điều này không được luật pháp quốc tế cho phép. Phạm vi của các vùng biển phải được đo từ các đường cơ sở được thiết lập hợp pháp, thường là ngấn nước thủy triều thấp dọc theo bờ biển. Trong các vùng biển có yêu sách chủ quyền, Trung Quốc cũng đưa ra nhiều yêu sách về quyền tài phán không phù hợp với luật pháp quốc tế.

Nghiên cứu của Mỹ là cơ sở phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Ngoài ra, việc Trung Quốc khẳng định có “các quyền lịch sử” ở Biển Đông là không có cơ sở pháp lý và không có bất kỳ diễn giải cụ thể nào về bản chất của “các quyền lịch sử” đã yêu sách, theo nghiên cứu.

Ảnh hưởng nghiêm trọng

Các tác giả nghiên cứu cho rằng ảnh hưởng tổng thể của những yêu sách hàng hải trên là việc Trung Quốc yêu sách chủ quyền hoặc một số loại đặc quyền tài phán đối với gần như toàn bộ Biển Đông một cách bất hợp pháp. Cũng chính những yêu sách phi pháp này đã đặt Trung Quốc vào thế va chạm với các nước Đông Nam Á, theo AFP. “Những yêu sách này làm suy yếu nghiêm trọng thượng tôn pháp luật trên biển và nhiều điều khoản của luật quốc tế được công nhận rộng rãi như được phản ánh trong Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển”, theo nghiên cứu.

Các tác giả cho rằng vì lý do này, Mỹ và nhiều quốc gia khác đã bác bỏ những yêu sách của Trung Quốc để ủng hộ trật tự hàng hải quốc tế dựa trên luật lệ ở Biển Đông và trên toàn thế giới. Trong thông cáo khi công bố nghiên cứu, Bộ Ngoại giao Mỹ kêu gọi Trung Quốc “dừng các hành vi phi pháp và cưỡng ép” ở Biển Đông.

Báo cáo trên được xem là bản cập nhật một nghiên cứu năm 2014 của Mỹ với quan điểm bác bỏ cái gọi là “đường 9 đoạn”, tức yêu sách ngang ngược của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông. Đến năm 2016, Tòa Trọng tài thường trực (PCA) ở Hà Lan ra phán quyết bác bỏ yêu sách “đường lưỡi bò” dựa trên cái gọi là quyền lịch sử của Trung Quốc, sau khi Philippines kiện Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức công bố lập trường, bác bỏ các yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông. Đó cũng là lần đầu tiên Mỹ bác bỏ những yêu sách này một cách cụ thể và chính thức, dù trước đó đã nhiều lần tuyên bố các yêu sách biển của Trung Quốc ở Biển Đông là phi pháp.

Xem hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tập trận chung tại biển Philippines

2 nhóm tàu Mỹ đến Biển Đông ?

Tờ South China Morning Post hôm qua đưa tin Mỹ đã điều một nhóm tác chiến tàu sân bay và nhóm tàu đổ bộ chở trực thăng đến tập trận ở Biển Đông, nơi Trung Quốc điều tàu sân bay Sơn Đông đến tập trận cách đây 2 tuần. Nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson và tàu USS Essex (lớp Wasp) cùng các tàu hộ tống đã đi vào khu vực phía nam Biển Đông vào tối 11.1, theo Tổ chức Sáng kiến thăm dò tình hình chiến lược ở Biển Đông (SCSPI) thuộc Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc). Hải quân Mỹ chưa thông báo về kế hoạch tập trận. Theo Hải quân Mỹ, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Carl Vinson tuần trước đã ở biển Celebes giữa Philippines, Indonesia và Malaysia; còn nhóm tàu USS Essex đã hoàn tất sứ mệnh 3 tháng rưỡi tại Trung Đông vào tuần trước.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.