(TNO) Nhằm đối phó với các hoạt động xây đảo trái phép của Trung Quốc tại Biển Đông, Mỹ và Malaysia đang bí mật đàm phán về thỏa thuận cho phép quân đội Mỹ đưa máy bay do thám sang đồn trú tại Malaysia để tiến hành các chuyến tuần thám vùng biển này.
Tàu Trung Quốc tấp nập bồi đắp phi pháp đảo nhân tạo tại Đá Vành Khăn thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: AFP
|
Sau khi Malaysia liên tục cáo buộc tàu Trung Quốc xâm phạm vùng biển của nước này trong năm nay, các cuộc đàm phán giữa Mỹ và chính quyền Thủ tướng Najib Razak càng trở nên nghiêm túc hơn, Bloomberg ngày 3.9 dẫn lời 2 quan chức quốc phòng cấp cao giấu tên của Mỹ tiết lộ.
Washington đang thúc giục Malaysia cho phép Hải quân Mỹ dùng sân bay của Malaysia để triển khai 2 loại máy bay tuần tra trinh sát biển P-8 Poseidon và P-3 Orion bay tuần thám Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang ráo riết bồi đắp đảo phi pháp, theo nguồn tin của Bloomberg.
Hiện 2 bên vẫn chưa đạt được thỏa thuận cuối cùng, nhưng việc chính phủ 2 nước bàn bạc về khả năng nói trên cho thấy đã có một sự thay đổi trong nỗ lực "không ngả về phe nào" mà Malaysia cố gắng thực hiện bấy lâu, Bloomberg bình luận.
Về phía Mỹ, quan chức thuộc Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ ở Hawaii và ông David Shear, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách vấn đề an ninh châu Á - Thái Bình Dương, là những người tham gia đàm phán với Malaysia, một trong 2 nguồn tin của Bloomberg cho hay.
Lầu Năm Góc trước đây đã từng hối thúc Malaysia phối hợp, nhưng cuộc thương thuyết lần này trở nên sôi nổi hơn sau các diễn biến hồi đầu năm, khi tàu Trung Quốc ngang nhiên tiến vào bên trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia ở cực nam Biển Đông.
Bloomberg cho biết phát ngôn viên Lầu Năm Góc đã từ chối nói về cuộc đàm phán trên, còn Đại sứ quán Malaysia ở Washington đã không hồi đáp yêu cầu bình luận.
Đảo ở Malaysia thuận lợi hơn cả Philippines cho máy bay Mỹ
Máy bay do thám tối tân P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ còn có biệt danh là “sát thủ săn ngầm” - Ảnh: AFP |
Nhiều nguồn tin ngoại giao khẳng định phái đoàn Mỹ và Malaysia đang tập trung bàn về Labuan, một hòn đảo nằm ngoài khơi bang Sabah (Malaysia). Hòn đảo này nằm gần các công trình xây dựng quân sự của Trung Quốc tại Biển Đông hơn nhiều địa điểm mà Mỹ đang sử dụng để triển khai các chiến dịch do thám, như căn cứ không quân Clark ở Philippines.
Bloomberg cho biết chính quyền Malaysia rất ngại công khai mối quan hệ quốc phòng với Mỹ. “Trong một thời gian dài, quan hệ hợp tác an ninh Mỹ - Malaysia rất sâu đậm và cũng rất âm thầm. Phía Malaysia rất e dè trước các hành động của Trung Quốc”, Ernest Bower, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược Mỹ (CSIS) cho hay.
Washington cũng đang hợp tác với Malaysia để giúp đối tác châu Á này tăng cường năng lực công nghệ giám sát và bảo vệ lãnh thổ tại Biển Đông. Ít có khả năng Mỹ sẽ thiết lập cơ sở quân sự tại Malaysia, nhưng việc được phép sử dụng lãnh thổ Malaysia có tầm quan trọng rất lớn, Bloomberg bình luận.
Tuy nhiên, cùng lúc này Malaysia cũng đang gia tăng hợp tác với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất. Quân đội Trung Quốc hồi tuần trước thông báo 2 nước sẽ sớm tiến hành các cuộc tập trận chung với quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Nhân viên trên máy bay do thám P-8 Poseidon của Hải quân Mỹ chỉ vào màn hình cho thấy tàu Trung Quốc đang bồi đắp tại Đá Chữ Thập ở Biển Đông, trong chuyến bay tuần thám tháng 5.2015 với sự có mặt của phóng viên CNN - Ảnh: Reuters |
Ông Patrich Cronin, một chuyên gia cấp cao thuộc Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS), cho biết Malaysia hiếm khi công khai chỉ trích các hành động hung hăng của Bắc Kinh ở Biển Đông, nhưng vẫn âm thầm tăng cường hợp tác với các quốc gia đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trong khu vực.
“Vì vậy các chuyến bay tuần thám bằng P-8 hoặc P-3 cùng với Mỹ hoặc Nhật Bản là một ý tưởng cực kỳ hợp lý đối với Malaysia, nước đang không hài lòng với việc Trung Quốc thay đổi hiện trạng tại Biển Đông”, ông Cronin nhận định.
Bình luận (0)