Dư luận đang xôn xao trước tin Mỹ đang duy trì lực lượng đặc nhiệm tại 5 quốc gia ở Nam Á với mục tiêu chống khủng bố.
Trong phiên điều trần mới đây tại Thượng viện, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM) là Đô đốc Robert Willard cho hay các đội đặc nhiệm nước này hiện đóng quân tại 5 nước Nam Á theo các thỏa thuận song phương. Theo đó, những đơn vị trên trực thuộc PACOM và được triển khai đến Ấn Độ, Bangladesh, Maldives, Nepal và Sri Lanka nhằm hỗ trợ chống khủng bố. “Chúng tôi hợp tác hết sức chặt chẽ với Ấn Độ trong lĩnh vực chống khủng bố, đặc biệt trong phạm vi hàng hải,” BBC dẫn lời Đô đốc Willard giải trình sau câu hỏi của nghị sĩ Joe Wilson về nỗ lực đối phó tổ chức khủng bố Lashkar-e-Taiba, được cho là đóng tại Pakistan. Đây là thủ phạm vụ tấn công đẫm máu tại Mumbai vào tháng 11.2008 khiến 166 người thiệt mạng. Bên cạnh đó, tờ Pakistan Observer dẫn một số nguồn thạo tin cho hay khoảng 200 binh sĩ Mỹ sẽ sớm tham gia tập trận chung với Ấn Độ tổ chức dọc theo biên giới với Pakistan.
|
Tuy nhiên, một số nước trong số 5 quốc gia nói trên lại có phản ứng mạnh về thông tin này, gây bất ngờ cho dư luận. Theo Pakistan Observer, phe đối lập Ấn Độ gây sức ép yêu cầu chính phủ giải trình tại sao New Delhi không hỏi ý kiến quốc hội trước khi cho phép lính Mỹ hoạt động trên lãnh thổ nước này. Ở Sri Lanka và Maldives cũng có những diễn biến tương tự. Hiện chính phủ các nước chưa có bình luận chính thức nào.
Vì thế, giới quan sát đặt nhiều nghi vấn về tuyên bố của Đô đốc Willard. Thông tin từ người đứng đầu PACOM chắc chắn phải chính xác nhưng có thể mục đích thật sự không đơn thuần chỉ là “chống khủng bố”. Một số chuyên gia cho rằng trong bối cảnh tại châu Á - Thái Bình Dương đang có những diễn biến đáng quan ngại, một số nước có thỏa thuận để Mỹ tăng cường hiện diện quân sự trên lãnh thổ của mình cả công khai lẫn “sau hậu trường”. Tuy nhiên, do tính chất nhạy cảm của việc này nên các bên muốn giữ bí mật và không ai ngờ ông Willard lại “lỡ lời” tại Thượng viện.
Liên minh SOF toàn cầu
Theo giới phân tích, tiết lộ của Đô đốc Willard có thể là ví dụ cụ thể cho kế hoạch đặc biệt của Lầu Năm Góc gọi là “Liên minh SOF toàn cầu”. SOF là chữ viết tắt của Special Operations Forces (tạm dịch các lực lượng đặc nhiệm), theo tờ International Herald Tribune và Washington đang hướng đến mục tiêu để ít nhất 12.000 đơn vị SOF đóng quân tại nhiều nơi trên thế giới. Nòng cốt của kế hoạch này là Bộ Tư lệnh Đặc nhiệm (SOCOM), vốn đang lên “như diều gặp gió” sau vụ hạ sát thành công Osama bin Laden tại Pakistan hồi năm ngoái.
International Herald Tribune dẫn một số nguồn giấu tên cho hay nhân cơ hội này, người đứng đầu SOCOM là Đô đốc William McRaven đặc biệt yêu cầu được cấp thêm quyền hạn cũng như tăng thêm ngân sách hoạt động. Ông McRaven muốn được đặc cách điều quân đến bất cứ nơi nào trên thế giới mà không cần thông qua các thủ tục phê chuẩn thông thường. Trước đây, những đề nghị kiểu này bị Bộ Ngoại giao Mỹ và các tư lệnh khác kịch liệt bác bỏ. Các đại sứ Mỹ tại những khu vực điểm nóng quan ngại nếu SOCOM được tự do hành động sẽ dẫn đến những vụ xâm phạm chủ quyền nước sở tại, còn các tư lệnh khác cho rằng có thể bị lấn quyền. Vì thế, theo các nguồn tin trên, Đô đốc McRaven đang âm thầm vận động Nhà Trắng, quốc hội và Lầu Năm Góc cũng như trấn an các đồng nghiệp rằng hoạt động của SOCOM chỉ nhằm mục đích hỗ trợ chứ không xâm phạm đến quyền lợi của bất kỳ ai.
Việc triển khai đặc nhiệm như trên phù hợp với chiến lược quốc phòng mới của Mỹ vừa tăng cường vai trò tại châu Á - Thái Bình Dương vừa xây dựng các lực lượng cơ động, tinh nhuệ có thể phản ứng nhanh. Theo tờ The New York Times, lực lượng nước này đang hiện diện tại khu vực với quy mô khác nhau ở Nhật Bản, Hàn Quốc, đảo Guam, Hawaii, Úc, một số đảo trên Ấn Độ Dương. Cuối năm ngoái, Mỹ đạt thỏa thuận với Úc để tăng cường lính thủy đánh bộ tại miền bắc nước này. Ngoài ra, Mỹ cũng có kế hoạch đàm phán để đồn trú tàu chiến tại Singapore và Philippines. Gần đây, nhiều nguồn tin cho rằng Washington và Manila đang đàm phán để quân Mỹ được triển khai luân phiên tại Philippines. |
Thụy Miên
Bình luận (0)