Mỹ cấm vận 3 người Myanmar vì mua vũ khí do Nga sản xuất

07/10/2022 07:49 GMT+7

Chính phủ Mỹ ngày 6.10 đã áp lệnh cấm vận một doanh nhân Myanmar và hai người khác có liên quan đến việc mua vũ khí do Nga sản xuất cho chính quyền quân sự Myanmar.

Xe tăng của quân đội Myanmar

chụp màn hình tass

Reuters dẫn lời Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 6.10 cho biết Mỹ đã áp lệnh cấm vận một doanh nhân Myanmar và hai người khác. Ba người này có liên quan đến việc vũ khí do Nga sản xuất cho chính quyền quân sự Myanmar từ Belarus.

Theo tuyên bố của Bộ Tài chính Mỹ, các biện pháp trừng phạt sẽ được áp dụng đối với doanh nhân Myanmar Aung Moe Myint, con trai của một sĩ quan quân đội. Bộ Tài chính Mỹ cho rằng ông Aung Moe Myint đã tạo điều kiện thuận lợi cho các giao dịch vũ khí bao gồm tên lửa và máy bay. Công ty TNHH Quốc tế Dynasty do ông Aung Moe Myint thành lập và hai trong số các giám đốc của công ty cũng nằm trong danh sách cấm vận.

Reuters không thể liên hệ với ông Aung Moe Myint để hỏi về phản ứng của ông trước động thái của Mỹ.

Lệnh cấm vận sẽ đóng băng toàn bộ tài sản trên đất Mỹ và cấm người Mỹ giao dịch với những người có tên trong danh sách trừng phạt.

Trong tuyên bố, Ngoại trưởng Blinken nhắc đến việc Myanmar hành quyết 4 nhà hoạt động vào tháng 7 và vụ tấn công chết người vào một trường học bằng trực thăng quân sự vào tháng trước. Ông Blinken cũng chỉ ra vai trò của ba người bị trừng phạt ngày 6.19 trong việc mua vũ khí do Nga sản xuất từ ​​Belarus.

“Những điều này cho thấy mối quan hệ lâu dài của quân đội Myanmar với quân đội Nga và Belarus”, Ngoại trưởng Blinken nói.

"Chúng tôi sẽ tiếp tục sử dụng các cơ quan trừng phạt của mình để nhắm vào những người ở Myanmar và những nơi khác ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine, cũng như việc Nga Belarus tạo điều kiện cho bạo lực ở Myanmar", theo tuyên bố của ngoại trưởng Mỹ.

Nga là nguồn cung cấp khí tài quân sự chính cho quân đội Myanmar. Lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar, thống tướng Min Aung Hlaing, đã đến thăm Nga hai lần trong những tháng gần đây.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cấm cựu cảnh sát trưởng Myanmar và Thứ trưởng Bộ Nội vụ Than Hlaing của Myanmar đến Mỹ vì dính líu tới việc trấn áp người biểu tình vào tháng 2.2021.

Đại sứ quán Myanmar tại Washington không phản hồi yêu cầu bình luận.

Các quốc gia phương Tây đã ban hành nhiều vòng trừng phạt nhắm vào quân đội và các doanh nghiệp có liên quan kể từ sau cuộc chính biến tháng 2.2021 ở Myanmar. Tuy vậy, các biện pháp trừng phạt không nhắm vào việc bán khí đốt, nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của quân đội Myanmar.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.