Nguồn tin kiểm toán của chính phủ Mỹ cho biết nước này có thể cần thêm 38 tỉ USD để đại tu động cơ của máy bay chiến đấu F-35 do tập đoàn Lockheed Martin Corp sản xuất, nếu muốn đáp ứng nhu cầu làm mát radar và các bộ phận khác, hãng Bloomberg đưa tin.
Cụ thể, trong báo cáo thường niên được công bố hôm 30.5, Văn phòng Trách nhiệm Chính phủ Mỹ (GAO) cho biết tiêm kích F-35 - hệ thống vũ khí đắt nhất thế giới, đang gặp vấn đề về hệ thống làm mát.
Theo báo cáo, việc hệ thống làm mát bị quá tải đã buộc các động cơ hoạt động vượt quá các thông số thiết kế của nó. "Nhiệt tăng thêm đang làm tăng độ mài mòn, giảm tuổi thọ của động cơ và làm tăng thêm 38 tỉ USD chi phí bảo trì", báo cáo viết.
Áp suất không khí được truyền càng nhiều, động cơ của F-35 càng nóng. Hệ thống điện, dựa vào các thông số kỹ thuật được thiết kế từ nhiều năm trước, không thể theo kịp nhu cầu làm mát của hệ thống điện tử hàng không ngày càng phức tạp của máy bay phản lực, theo GAO.
Vì sao Mỹ không bán chiến đấu cơ tàng hình F-35 cho Thái Lan?
Khi được hỏi về vấn đề đối với hệ thống làm mát trước khi báo cáo của GAO được công bố, đại diện Lockheed cho biết "các khả năng tiếp tục được hoàn thiện dựa trên nhu cầu của khách hàng" và công ty "đang nỗ lực giải quyết và hỗ trợ các yêu cầu này".
Trước đó, cơ quan phụ trách chương trình F-35 của Bộ Quốc phòng ước tính tuổi thọ của các bộ phận máy bay chiến đấu này có thể giảm tới 20% nếu tình trạng nóng động cơ không được khắc phục. Theo cơ quan này, động cơ của mẫu F-35A mà không quân Mỹ đang vận hành dự kiến cần được đại tu sau mỗi 1.600 giờ bay thay vì 2.000 giờ bay như quy định trước đó.
Nhu cầu đặt mua F-35 do Mỹ sản xuất ngày càng tăng cao trong bối cảnh xung đột Nga - Ukraine và căng thẳng Mỹ - Trung Quốc leo thang. F-35 là vũ khí đắt nhất trong lịch sử quân sự Mỹ và các biến thể của máy bay chiến đấu này đang được không quân, hải quân và thủy quân lục chiến nước này sử dụng, theo tờ Stars and Stripes.
Bình luận (0)