Mỹ cảnh báo về bệnh 'nai xác sống'

27/12/2023 06:10 GMT+7

Việc phát hiện ca đầu tiên của bệnh suy mòn mãn tính (CWD), hay còn gọi là bệnh 'nai xác sống', ở Công viên quốc gia Yellowstone (Mỹ) làm dấy lên quan ngại về nguy cơ bệnh lây từ động vật sang người.

Trung tâm kiểm soát và dịch bệnh Mỹ (CDC) đã xác nhận trường hợp đầu tiên của bệnh CWD ở Công viên quốc gia Yellowstone, dựa vào kết quả xét nghiệm vào tháng 11 trên xác một con hươu la, theo Đài Fox News.

Mỹ cảnh báo về bệnh 'nai xác sống'- Ảnh 1.

CDC Mỹ cảnh báo nguy cơ động vật có thể lây bệnh suy mòn mãn tính cho người

Ảnh: CDC

Bệnh suy mòn mãn tính là bệnh gì ?

Xác con hươu la đực được tìm thấy ở khu vực công viên thuộc tiểu bang Wyoming. Cơ quan Công viên quốc gia Mỹ (NPS) cho biết con vật đã được cấy thiết bị GPS từ tháng 3 nhằm phục vụ cuộc điều tra số lượng các loài hươu nai. Dựa trên thiết bị GPS, phía kiểm lâm phát hiện con hươu la tử vong vào giữa tháng 10.

Kết quả xét nghiệm mẫu sinh phẩm từ xác hươu la cho thấy con vật mắc bệnh CWD trước khi chết. CWD là một dạng bệnh gây rối loạn thoái hóa não tiến triển, không thể điều trị cũng như chưa có vắc xin phòng ngừa và có thể dẫn đến tử vong. Căn bệnh được ghi nhận ở các cá thể hươu, nai, nai sừng xám, nai sừng tấm ở các vùng phía bắc của Mỹ, Canada, Na Uy và Hàn Quốc.

Một số nhà khoa học còn gọi CWD là bệnh "nai xác sống", do nó dẫn đến những thay đổi ở não các hệ thống thần kinh của chủ thể nhiễm bệnh. CDC cho biết động vật mắc bệnh có thể bị sụt cân, đi đứng loạng choạng, lờ đờ và thể hiện các triệu chứng về thần kinh, theo tờ The Guardian. Những triệu chứng này có thể mất đến 1 năm kể từ khi con vật nhiễm bệnh mới lộ diện.

Giờ đây, các nhà khoa học Mỹ lên tiếng cảnh báo nguy cơ căn bệnh có thể lây từ động vật sang người, dù hiện vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào cụ thể trên thực tế.

Nguy cơ lây từ động vật sang người

Như đã đề cập ở trên, CWD là một dạng rối loạn thần kinh chết chóc vốn bao gồm bệnh bò điên (BSE). "Đợt bùng dịch bò điên ở Anh cung cấp ví dụ cho thấy chỉ trong một đêm tình hình có thể chuyển biến đáng sợ đến mức nào, khi một sự kiện lây lan từ động vật sang người xảy ra", tờ The Guardian dẫn lời tiến sĩ Cory Anderson. Ông là đồng giám đốc chương trình CWD của Trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và chính sách thuộc Đại học Minnesota (Mỹ).

Theo tiến sĩ Cory Anderson, gây quan ngại hơn nữa là hiện chưa có cách nào điều trị căn bệnh một cách hiệu quả và dễ dàng, dù là đối với động vật mắc bệnh cũng như môi trường bị lây nhiễm. Ông lưu ý một khi môi trường sống bị lây nhiễm, rất khó để loại trừ mầm bệnh.

Mầm bệnh có thể bám trụ dai dẳng nhiều năm trong đất hoặc trên các bề mặt. Các nhà khoa học phát hiện không thể khử mầm bệnh trong môi trường bằng các chất khử trùng, chất formaldehyde, bức xạ lẫn biện pháp đốt cháy ở nhiệt độ gần 600 độ C.

Trên website, CDC cho biết một số cuộc nghiên cứu ở động vật cho thấy CWD là mối đe dọa cho một số dạng linh trưởng, như các loài khỉ, nếu chúng ăn thịt động vật mắc CWD hoặc tiếp xúc với dịch não, dịch cơ thể của động vật nhiễm bệnh. "Các cuộc nghiên cứu trên làm dấy lên quan ngại về nguy cơ có thể xảy ra cho người", theo website CDC.

Tờ The Guardian dẫn thống kê của Tổ chức liên minh vì đời sống hoang dã công cộng (Mỹ) ước tính con người đã ăn thịt từ từ 7.000 - 15.000 động vật mắc CWD vào năm 2017. Con số này được cho gia tăng khoảng 20%/năm.

"Chúng tôi đang đề cập nguy cơ có thể xảy ra tình huống tương tự (như dịch bò điên). Không ai nói rằng điều đó chắc chắn sẽ xảy ra, nhưng quan trọng là con người phải chuẩn bị cho khả năng đó", tiến sĩ Anderson cảnh báo.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.