Mỹ chấn động trước án mạng trên truyền hình

28/08/2015 06:00 GMT+7

Đề tài súng ống một lần nữa rộ lên tại Mỹ sau vụ một phóng viên trẻ và người quay phim bị bắn chết ngay trong chương trình phát sóng trực tiếp.

Đề tài súng ống một lần nữa rộ lên tại Mỹ sau vụ một phóng viên trẻ và người quay phim bị bắn chết ngay trong chương trình phát sóng trực tiếp.

Mỹ chấn động trước án mạng trên truyền hình
 Những hình ảnh về thảm án do chính hung thủ ghi lại - Ảnh: Reuters/Twitter
Đến hôm 27.8, nước Mỹ vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết bất ngờ và tức tưởi của nữ phóng viên Alison Parker (24 tuổi) và đồng nghiệp Adam Ward (27 tuổi) trên sóng truyền hình vào khoảng 6 giờ 43 (giờ địa phương) ngày 26.8 tại một trung tâm thương mại ở Moneta, bang Virginia.
Đài NBC News ước tính có hàng chục ngàn người đang xem trực tiếp chương trình chào buổi sáng phát trên kênh truyền hình Địa phương WDBJ7 thuộc CBS. Thủ phạm sau đó được xác định là Vester Lee Flanagan II (41 tuổi), từng làm việc tại Đài WDBJ7 trước khi bị sa thải vào năm 2013 sau một loạt các vụ xô xát với đồng nghiệp, theo Reuters.
Sát thủ máu lạnh
Cả phóng viên Parker và người quay phim Ward đều có cuộc sống tốt đẹp trước khi số phận nghiệt ngã chấm dứt mạng sống của họ. Cô Parker đang hẹn hò với nhà dẫn chương trình Chris Hurst, cũng làm cho Đài WDBJ7. “Cô ấy là người phụ nữ rạng rỡ nhất mà tôi từng gặp”, theo người yêu của Parker kể lại. Hai người vừa quyết định dọn về sống chung. Còn Ward đang đính hôn với đồng nghiệp là nhà sản xuất Melissa Ott, người có mặt trong phòng điều khiển kỹ thuật vào thời điểm vị hôn phu bị bắn chết.
Theo cảnh sát trưởng hạt Franklin, Bill Overton, vụ tấn công dường như được lên kế hoạch kỹ càng. Khoảng 3 giờ kể từ vụ xả súng, Đài ABC News cho hay đã nhận một tuyên bố dài 23 trang từ một nhân vật đề tên Bryce Williams, vốn là bút danh của Flanagan.
Không giống như những vụ án khác khi các nhà điều tra phải tiến hành xâu chuỗi lại để quay lại điểm khởi đầu, vụ án này được truyền trực tiếp trên Twitter và Facebook. Đoạn clip được chia sẻ và lan truyền nhanh chóng trên các mạng xã hội, thậm chí trước khi phía lãnh đạo của WDBJ7 biết được số phận nhân viên của họ.
Khoảng 40.000 công dân mạng ngay lập tức biết tình hình, bao gồm cảnh sát trưởng tại địa phương. Ai nấy đều nghe được tiếng thét xé lòng của nữ phóng viên Parker, chứng kiến cô gái chạy trốn trong vô vọng khi máy quay rơi xuống...
Thống đốc bang Virginia Terry McAuliffe cũng bị đánh động và lên mạng cam đoan sẽ sớm bắt được hung thủ, nhưng lập tức được đáp trả bằng một dòng cập nhật trên tài khoản Twitter của Flanagan: “Tôi đã quay cảnh nã súng, hãy xem Facebook”, theo AFP. Trong lúc cảnh sát vào cuộc, một tài khoản trên mạng xã hội lấy bút danh của Flanagan là Bryce Williams đã tải lên mạng một đoạn clip ghi lại toàn cảnh vụ mai phục. Theo ABC News, đoạn clip dài 56 giây quay cảnh Flanagan tay cầm súng, âm thầm áp sát Parker và Ward, trong lúc cả hai đang phỏng vấn. Do camera của người quay đang nhắm về hướng sân golf mini kế bên, nên hung thủ tiếp tục đợi khoảng 20 giây nữa cho đến khi ống kính ghi hình cô Parker rồi mới nã một loạt 8 phát súng mà không thốt lên lời nào.
Trong suốt buổi sáng 26.8, lệnh truy nã khẩn cấp được phát tại miền tây Virginia nhưng phải đến 5 giờ kể từ khi gây án, Flanagan mới bị chặn lại ở hạt Fauquier, cách hiện trường khoảng 3 giờ lái xe. Hung thủ đã tự sát và chết tại bệnh viện vào khoảng 13 giờ 30, theo ABC News.
Gã đồng nghiệp bẳn tính
Đây không phải là lần đụng độ đầu tiên giữa các nạn nhân với Flanagan. Trước khi bị sa thải, hung thủ đã xung đột với cả hai người, cụ thể Flanagan tố cáo phóng viên Parker đã dè bỉu mình vì màu da, còn người quay phim Ward đã tố giác y với phòng nhân sự. Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Đài WDBJ7 Jeffrey Marks cho biết Flanagan luôn cho rằng đồng nghiệp phân biệt đối xử với mình. Tuy nhiên, Ủy ban Cơ hội làm việc bình đẳng đã bác bỏ đơn tố cáo của ông này vì không có cơ sở.
Còn Dan Dennison, người đã thuê Flanagan vào năm 2012 và ký lệnh sa thải một năm sau đó, cho hay Flanagan mất việc phần lớn là do không đạt yêu cầu. Hung thủ cũng từng bị tống cổ khỏi ít nhất 2 đài truyền hình khác vì liên tục gây hấn với đồng nghiệp.
Trong bản fax cho ABC News, Flanagan tự nhận là người đồng tính da màu, luôn bị mọi người đối xử tệ. Y đã mua khẩu súng gây án 2 ngày sau khi 9 người da đen thiệt mạng trong vụ xả súng tại nhà thờ Charleston vào ngày 17.6, với ý đồ trả đũa. Cục Quản lý chất cồn, thuốc lá, vũ khí và chất nổ liên bang cho hay khẩu súng được mua một cách hợp pháp. Bản fax còn ghi lan man lời tán dương của Flanagan dành cho những kẻ đã tiến hành các vụ thảm sát ở Viện Công nghệ Virginia năm 2007 và Trường trung học Columbine tại Colorado năm 1999.
“Hắn ta là một kẻ điên nắm trong tay khẩu súng”, Đài Fox News dẫn lời Andy Parker, cha của phóng viên quá cố. Ông đau lòng cho biết sẽ làm mọi cách để ngăn chặn vũ khí giết người rơi vào tay kẻ tâm thần.
Cùng ngày, Nhà Trắng tiếp tục phát đi lời kêu gọi phải siết chặt quyền kinh doanh và mua bán súng ống. Ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, cũng đã lên tiếng gây áp lực về vấn đề kiểm soát súng nhằm ngăn chặn những thảm cảnh tương tự.
Như thể chứng minh sự cấp bách của lời kêu gọi trên, rạng sáng hôm qua 27.8 (theo giờ VN), một cảnh sát tên Henry Nelson (51 tuổi) đã bị người em họ của mình bắn chết khi đến hiện trường một vụ đâm chém khiến một người chết, hai người bị thương tại Louisiana, theo AP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.