Mỹ chế tạo tàu ngầm hạt nhân 'lớn, hiện đại nhất' đối phó Trung Quốc

12/06/2022 21:23 GMT+7

Mỹ đã bắt đầu đóng tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo, chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSBN) lớp Columbia tân tiến nhất của mình, giữa lúc hải quân Trung Quốc lớn mạnh nhanh chóng.

Theo trang tin USNI News của Viện Hải quân Mỹ, lễ khởi công đóng tàu USS District of Columbia (SSBN 826) đã diễn ra vào ngày 4.6. Đây là chiếc đầu tiên trong lớp tàu ngầm mang tên lửa đạn đạo mới dự kiến ​​đưa vào hoạt động năm 2027, theo bản tin.

"Con tàu lớp Columbia này sẽ là tàu ngầm lớn nhất, mạnh nhất và tân tiến nhất do quốc gia chúng ta sản xuất", hạ nghị sĩ Eleanor Holmes Norton nói trong buổi lễ.

Việc đóng 12 tàu ngầm lớp Columbia là ưu tiên hàng đầu của Hải quân Mỹ trong thập niên qua. Quá trình xây dựng thiết kế sơ bộ cho chiếc tàu ngầm lớn nhất lịch sử quân đội Mỹ đã bắt đầu vào năm 2007. Hạm đội 12 tàu ngầm này sẽ thay thế các SSBN lớp Ohio với tư cách là lực lượng răn đe chiến lược số một của Hải quân Mỹ, bắt đầu với chuyến tuần tra đầu tiên của tàu District of Columbia vào năm 2031.

Hình ảnh thiết kế tàu District of Columbia

hải quân mỹ

Tại buổi lễ ở bang Rhode Island, Bộ trưởng Hải quân Carlos Del Toro cho biết các tàu lớp Columbia sẽ mang "70% kho vũ khí hạt nhân được triển khai của Mỹ", gọi đây là "khoản đầu tư thông minh nhất mà chúng tôi có thể thực hiện" để đảm bảo sự an toàn của người dân Mỹ, theo USNI News.

Hải quân Mỹ đang vận hành 14 chiếc SSBN lớp Ohio cũ kỹ được chế tạo từ năm 1976 đến 1997. Ngoài ra, 4 chiếc tàu ngầm cũ nhất của lớp này đã được chuyển đổi thành tàu ngầm mang tên lửa hành trình (SSGN), theo Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí Chiến lược (New START) với Nga.

Truyền thông cho hay tàu ngầm lớp Columbia sẽ được trang bị 16 ống phóng tên lửa đạn đạo hoặc tên lửa hạt nhân, ít hơn so với 24 ống trên các SSBN lớp Ohio. Song tàu mới sẽ dài hơn, nặng hơn và có hệ thống truyền động điện phức tạp với công nghệ đi kèm.

Tàu Columbia được xem là chìa khóa để Mỹ duy trì lợi thế cạnh tranh, đặc biệt là với Trung Quốc, nước đang có lực lượng hải quân lớn nhất thế giới.

"Tàu ngầm vẫn là một lợi thế cạnh tranh riêng biệt, một lợi thế cạnh tranh quan trọng của Mỹ so với các đối thủ cạnh tranh ngang hàng và gần ngang hàng", Phebe Novakovic, người đứng đầu tập đoàn quốc phòng General Dynamics của Mỹ, cho biết.

Năm ngoái, General Dynamics đã ký hợp đồng trị giá hơn 10 tỉ USD cho hai chiếc tàu ngầm lớp Columbia đầu tiên.

Tháng trước, hình ảnh vệ tinh tiết lộ Trung Quốc đang đóng một tàu ngầm hạt nhân mới và lớn hơn với hệ thống đẩy tiên tiến hơn so với phiên bản Type 093 đang hoạt động.

Tàu ngầm tấn công chạy bằng năng lượng hạt nhân (SSN) Type 093 của Trung Quốc có thể phóng tên lửa hành trình chống hạm YJ-18, trong khi tàu Type 094A được trang bị tên lửa đạn đạo JL-3 phóng thẳng đứng với tầm bắn hơn 10.000 km - có khả năng chạm tới đất liền Mỹ.

Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc năm ngoái, Trung Quốc đã chế tạo 12 tàu ngầm hạt nhân trong vòng 15 năm, bao gồm 6 chiếc SSN bao gồm mẫu Type 093 và các phiên bản nâng cấp của nó, cũng như 6 chiếc SSBN mẫu Type 094.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.