Bún bò ở Mỹ không nổi tiếng như phở
So với phở và bánh mì, thì bún bò không phải là món nổi tiếng của Việt Nam để du khách nước ngoài trầm trồ, khao khát được thưởng thức một khi nghe nhắc đến.
Từ Huế, bún bò theo chân những người Việt tha hương đi khắp dải đất hình chữ S, các nước Á Châu, sang tận Bắc Mỹ, Nam Mỹ, châu Âu, tới những đất nước xa xôi và thành phố nhỏ to khác. Ở đâu có người Việt, chắc chắn sẽ có nhà hàng bán bánh mì, phở, cơm tấm và bún bò Huế.
|
Ở Mỹ, tô Hue soup (theo cách gọi của anh Mỹ trắng bạn tôi), ngoài bún cọng to (chủ yếu là bún khô luộc lên để ráo nước chứ hầu như chẳng có nơi nào làm bún tươi hết), nước lèo, rau thì thịt chủ yếu là nạm, chả lụa, chả quế, thỉnh thoảng có gân, huyết với giò chứ ít khi bán kèm tái sống.
Bên này người Mỹ ít ăn bún bò chắc do nặng mùi và nhiều gia vị. Nhưng khi đã ăn quen rồi, đảm bảo họ ghiền không gì kể xiết. Bún bò cũng có giá ngang ngửa với phở. Một tô cũng vừa ăn, đủ cho người Việt no bụng, trừ bún bò Đức Chương ở Texas, tô lớn ăn cắm đầu, no cành hông mà nước vẫn còn bao la.
Nước lèo không ngon, thịt đông lạnh càng khó ngon
Có nhiều nguyên nhân để tôi khẳng định bún bò Mỹ không thể ngon bằng bún bò bên Việt Nam. Thứ nhất phải nói tới nước lèo.
Không có “áp lực” giữ nồi nước lèo trong ngần, thơm lựng như phở và để tìm một nhà hàng hầm xương ống mười mấy tiếng đồng hồ trên nồi bếp ga chầm chậm, từ từ để những gì tinh túy, ngọt lịm nhất từ trong xương tủy tiết ra, hòa vào nước thoang thoảng vị sả thì thiệt là khó ngang ngửa việc bắc thang lên hỏi ông trời vậy.
|
Lợi nhuận không cho phép họ làm vậy. Cứ đơn giản hầm một ít xương, luộc ít thịt, rồi trộn thêm mớ cốt bò, gia vị bán đầy ngoài chợ để ra nồi nước lèo đậm đà, sắc màu sặc sỡ.
Muốn ăn ngon phải tự mua về nấu đi. Xương là thứ rẻ rề, bán đầy chợ Việt. Nhưng quan trọng là kì công. Phải kiên nhẫn và có tâm lắm mới đứng canh nồi nước chục tiếng, vớt từng lớp bọt, để nước luôn trong ngần, ngọt lịm.
|
Thứ hai là thịt. Người Việt mình vẫn còn chuộng thịt tươi sống. Với dân phương Tây, người ta đã chuyển qua chế độ “thịt mát” (thịt để tủ lạnh luôn từ sau khi giết mổ) từ lâu rồi.
Về mặt vệ sinh, điều này làm cho thịt xứ Mỹ sạch và an toàn, nhưng bù lại khi mang ra chế biến, lại mất đi vị ngon vốn có. Giò và móng heo thì lại càng khó kiếm hàng tươi. Nhưng đông lạnh thì bao la. Về rã đông, hầm lên là được. Có điều lớp da bên ngoài đã bớt độ giòn, gân đã không còn dẻo nữa.
Ở quê, những hàng bún bò ngon luôn mua thịt sớm từ lò mổ, hay ra chợ từ tờ mờ sáng, để chọn miếng thịt tươi và ngon nhất để giữ chân khách hàng. Mùi vị của mỗi gánh bún vỉa hè hay nhà hàng chật hẹp luôn được giữ y chang như thế mỗi ngày. Làm ăn gian dối, hay thay đổi chút là bị người ta nhận biết, ế ngay thôi.
Thiếu linh hồn mắm ruốc Việt tươi ngon
Mắm ruốc và gia vị nêm cũng là thứ góp phần làm cho nồi nước lèo Việt Nam đậm đà và thơm ngon hơn hẳn. Nhưng xứ Mỹ này tìm đâu ra một hũ mắm ruốc tươi, ngon lành để ướp thịt và nêm vào nồi bún ngoài mấy hũ mắm công nghiệp, màu tím nhạt, ghi chữ Việt Nam sai chính tả, nhìn kĩ toàn là “Made in Thailand” bán ngoài chợ, mặn, hôi rình, không còn mùi thơm lẫn vị ngọt đặc trưng của ruốc.
Và rau sống, dù chỉ là thành phần phụ, nhưng tôi nghĩ nó góp phần làm nên linh hồn của món bún bò. Bên Mỹ, dĩa rau ăn bún bò lèo tèo vài cọng giá, ít ngò gai, rau quế và đặc biệt thay vì bắp chuối, phần lớn họ thay bằng món tôi ghét vô cùng: bắp cải, ăn chẳng có tí mùi vị gì hết.
|
|
Nhưng với một đứa 20 năm thiên di xứ người mà vẫn đậm đặc chất Việt như tôi, mỗi lần có dịp lang thang khắp xứ Mỹ, ghé vào một nhà hàng Việt, ngoài tô phở thơm lừng bốc khói, vẫn kêu một tô bún bò nóng hổi, thoang thoảng mùi thơm của bắp bò và sả bằm, dẫu mười lần như chục vẫn cứ thầm thì tiếc nuối, so sánh với tô bún bên nhà.
Giá mà họ bỏ ít mắm ruốc Việt Nam, dĩa rau bớt bắp cải, thịt hầm mềm hơn, kèm với tái sống, huyết nữa thì ngon biết mấy… Nhưng khi húp một miếng nước lèo, nhai cọng bún dẻo mềm, kèm miếng thịt dính gân giòn giòn, tự nhiên thấy thương người dân Việt mình, thiên di tám hướng mười phương, vẫn cố giữ hồn vía quê hương, qua những món ngon nồng nàn xứ sở.
Bình luận (0)