Tên lửa Trường Chinh 5B đã rời khỏi bệ phóng trên đảo Hải Nam của Trung Quốc vào ngày 29.4, mang lên quỹ đạo mô đun đầu tiên của trạm không gian Thiên Hòa.
Đây là một trong 11 cuộc phóng tên lửa để Trung Quốc hoàn tất trạm không gian mới trên quỹ đạo. Và hiện tầng lõi của tên lửa này đang di chuyển trên quỹ đạo mất kiểm soát xung quanh Trái đất.
Tầng trung tâm của Trường Chinh 5B có chiều dài 30m, bề ngang 5 m. Với kích thước đó, nhiều khả năng vẫn còn một mảnh lớn tên lửa sống sót khi lao qua tầng khí quyển của địa cầu.
Giới quan sát quan ngại nó có thể rơi xuống khu vực dân cư.
Bộ trưởng Austin cho hay hiện thời vẫn hy vọng phần tên lửa của Trung Quốc sẽ rơi xuống biển, và theo tính toán nó có thể rơi vào ngày 8-9.5, theo AFP hôm 7.5.
Trong khi đó, Hoàn Cầu thời báo gọi những bản tin cảnh báo tên lửa “đang mất kiểm soát” và có thể gây tổn thất trên mặt đất toàn theo lối cường điệu của phương Tây. Theo truyền thông Trung Quốc, chẳng có gì phải lo lắng cả.
Tuy nhiên, Hoàn Cầu thời báo lại không giải thích tại sao phần còn lại của tên lửa Trường Chinh 5B lại mất kiểm soát.
Chuyên gia Jonathan McDowell, nhà vật lý học thiên thể của Đại học Harvard (Mỹ), cho hay để tránh tên lửa đẩy rơi xuống đầu cư dân Trái đất, các nhà sản xuất cần phải tuân thủ một trong hai điều kiện sau đây:
Đầu tiên, tên lửa cần được lắp tầng đẩy để đưa nó vào điểm đáp an toàn trên biển sau khi tiến nhập khí quyển. Hoặc, tên lửa được trang bị hệ thống ổn định và động cơ cho phép giảm vận tốc và quay đầu tên lửa 180o để xuống vùng biển đã định.
Thế nhưng, dòng tên lửa Trường Chinh 5B hoàn toàn không được lắp đặt 2 công năng trên. “Và thế là nó cứ bị vứt trên quỹ đạo theo kiểu cũ trước khi tiến nhập khí quyển trong tình trạng không thể kiểm soát”, chuyên gia McDowell phân tích.
Bình luận (0)