Mỹ: Chương trình hỗ trợ sinh viên khuyết tật ở bậc đại học

19/07/2006 20:50 GMT+7

Theo Bộ Giáo dục Mỹ, có khoảng 6 triệu người Mỹ nhận được hệ thống giáo dục đặc biệt, đó là những sinh viên mà chuyện học tập của họ bị hạn chế bởi khiếm khuyết của cơ thể hoặc trí tuệ.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Giáo dục Mỹ, số lượng người khuyết tật ước mơ có được tấm bằng đại học đang ngày một tăng cao: trong năm học 2003-2004, sinh viên khuyết tật chiếm 11,3% số lượng sinh viên cả nước, so với 7,7% của niên khóa 1989-1990.

Bà Lynda Van Kuren, phát ngôn viên của Hội đồng Trẻ em đặc biệt, cho biết những chương trình giáo dục đặc biệt đã được nghiên cứu và triển khai rộng trong thập niên qua, nhờ đó sinh viên khuyết tật có thể giành được những học vị cao hơn và theo học những môn học phức tạp hơn. "Với những hệ thống giáo dục đặc biệt và chương trình chuyển tiếp, sinh viên khuyết tật đã có thể đạt được thành công trong học tập ở trình độ cao hơn trước đây".

Trong số những thanh niên khuyết tật bắt đầu học đại học năm học 1995-1996, thì đến năm 2001, chỉ có 15% trong số họ có được bằng cử nhân. Tỷ lệ đó ở sinh viên bình thường là 29,8%. Gần nửa số sinh viên khuyết tật - 41,2% - bỏ luôn việc học. Số còn lại chọn lấy những bằng cấp thấp hơn hoặc tiếp tục việc học.

Ông Jill Rickel, Giám đốc quốc gia của chương trình Kinh nghiệm sống ở đại học, một trong những chương trình chuyển tiếp trên phạm vi quốc gia, cho biết trong khi những sinh viên bình thường có thể cân bằng giữa việc học với cuộc sống tự lập, thì một số sinh viên khuyết tật cảm thấy khó mà cùng một lúc vừa hoàn thành việc học, vừa làm những công việc bình thường trong cuộc sống tự lập của sinh viên như dọn dẹp phòng, nấu ăn... Chương trình Kinh nghiệm sống ở đại học đặt cơ sở ở Fort Lauderdale giúp sinh viên khuyết tật phát triển những kỹ năng xã hội, sắp xếp thời khóa biểu, làm thủ tục để có thể học tập toàn thời gian... "Nhiều sinh viên phải bỏ học chỉ vì thiếu kỹ năng sống độc lập, họ không thể tự chăm sóc bản thân", ông Rickel giải thích.

Theo đạo luật Giáo dục dành cho người khuyết tật ở Mỹ, thì những học sinh từ nhà trẻ cho đến bậc trung học sẽ đăng ký theo học những chương trình giáo dục đặc biệt do một nhóm giáo viên và chuyên gia xây dựng. Nhưng tất cả lại cứ cho rằng mọi chuyện dừng lại ở ngưỡng cửa đại học. Thế nên nhiều sinh viên khuyết tật cảm thấy bất ngờ khi họ biết được rằng Ban giám hiệu hiểu được nhu cầu của họ. College Bound là một tổ chức hợp tác giữa trường Blacksburg, Radford University và River Community College. College Bound mở cửa cho học sinh trung học được xác định là bị khuyết tật về khả năng nói cho đến liệt não. Chương trình được thành lập năm 1999 sau khi Ban giám hiệu của ba trường trên nhận ra lý do bỏ học của một số học sinh. Jane Warner, trợ lý giám đốc chương trình cho sinh viên khuyết tật tại Virginia Tech University và là đồng tổ chức của College Bound, cho biết: "Sinh viên đến trường nhưng lại không chuẩn bị là có thể nhận được những sự trợ giúp. Họ không biết rằng họ cần phải đến văn phòng trợ giúp sinh viên khuyết tật và báo cho trường biết rằng họ là sinh viên khuyết tật của trường".

Bước vào ngưỡng cửa đại học, có những sinh viên phát hiện ra rằng những biện pháp từng giúp họ học tập và tốt nghiệp ở bậc trung học, lại không có hiệu quả ở bậc đại học. Chẳng hạn như trường hợp của Evelyn Scruggs, 19 tuổi, bị chứng rối loạn tập trung và dạng mất trí nhớ trong thời gian ngắn. Vào lớp, Evelyn là một trong số những sinh viên chăm chú nghe giảng, ghi chú đầy trang giấy, nhưng ngay khi rời khỏi lớp, cô chẳng còn nhớ được chủ đề của bài giảng hoặc một từ nào mà cô đã ghi chép. Evelyn thường dùng máy ghi âm để ghi lại lời thầy giảng, để sau đó về nhà mở nghe đi nghe lại. "Bạn làm thế nào khi ở trong lớp với 500 sinh viên, và máy không thể ghi được lời khi giảng viên ở quá xa?", Warner đặt câu hỏi. "Sinh viên cần phải làm việc với bộ phận phục vụ sinh viên khuyết tật để tìm ra giải pháp". Evelyn đã đến văn phòng, và cô được ưu tiên bố trí ngồi ở dãy đầu trong giảng đường.

Cũng giống như mọi sinh viên khuyết tật theo học lớp dạng đặc biệt này, Evelyn hy vọng văn phòng hỗ trợ sinh viên khuyết tật của trường sẽ giúp cô có điều kiện để cân bằng giữa khiếm khuyết của cô với ước mơ tốt nghiệp đại học.

Hạnh Vân
(Theo CNN)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.