Theo hợp đồng này, Tetra Tech sẽ tiếp nối việc thiết kế kỹ thuật và thi công, quản lý xây dựng và giám sát môi trường đối với hoạt động xây dựng và xử lý đất và trầm tích ô nhiễm dioxin, nhằm giảm nguy cơ phơi nhiễm cho người dân trong khu vực sân bay Biên Hòa cũng như các cộng đồng xung quanh, tiến đến mục tiêu của dự án là hoàn trả an toàn toàn bộ diện tích đất để phục vụ các mục đích sử dụng khác nhau, Đại sứ quán Mỹ cho biết trong một thông cáo.
Tháng 3 vừa qua, trong chuyến thăm Việt Nam, Tổng Giám đốc USAID Samantha Power cùng các quan chức chính phủ Mỹ và Việt Nam cũng công bố một hợp đồng trị giá 73 triệu USD được USAID trao cho công ty xử lý môi trường Nelson Environmental Remediation USA (Mỹ) để thiết kế, xây dựng và vận hành một khu xử lý phục vụ việc làm sạch đất và trầm tích ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hoà.
Từ tháng 4.2019, USAID đã hợp tác với Bộ Quốc phòng Việt Nam với mục tiêu xử lý 500.000 m3 đất và trầm tích ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa. Năm 2022, USAID cùng Bộ Quốc phòng Việt Nam hoàn thành xử lý dioxin khu đất nằm phía ngoài sân bay Biên Hoà (gần cổng 2) và bàn giao cho địa phương để làm nơi vui chơi giải trí cho cộng đồng, hoàn thành việc làm sạch khu vực đầu tiên trong sân bay (khu vực phía tây nam), đánh dấu sự kiện này với công viên được xây dựng từ ngân sách của Chính phủ Mỹ, đồng thời hoàn thành việc xây dựng khu lưu trữ lâu dài đối với đất nhiễm dioxin nồng độ thấp đã đào xúc.
Dự án tại sân bay Biên Hòa tiếp nối sự hợp tác của USAID trong việc xử lý đất ô nhiễm tại sân bay Đà Nẵng, giúp mở rộng diện tích sân bay. Khối lượng cần xử lý tại sân bay Biên Hòa gấp gần 4 lần khối lượng xử lý tại sân bay Đà Nẵng và là dự án xử lý dioxin lớn nhất từng được thực hiện, theo USAID.
Dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hoà dự kiến mất 10 năm để hoàn thành với tổng chi phí lên tới 450 triệu USD. Đến nay, Chính phủ Mỹ đã đóng góp 218,25 triệu USD trong tổng số 300 triệu USD dự kiến sẽ đóng góp cho dự án này, theo thông cáo của Đại sứ quán Mỹ.
Bình luận (0)