Theo thông báo của Lầu Năm Góc, cơ quan này vừa được Tổng thống Mỹ Joe Biden phê duyệt Đánh giá thế trận binh lực toàn cầu. Tại cuộc họp báo về nội dung trên, bà Mara Karlin, quan chức cấp cao phụ trách chính sách của Bộ Quốc phòng Mỹ, cho biết trong đánh giá trên, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) là khu vực ưu tiên do tập trung vào sự trỗi dậy của Trung Quốc thách thức Mỹ.
Căn cứ quân sự Guam đứng trước rủi ro do Trung Quốc tăng cường quân sự |
US Navy |
Phòng thủ đảo Guam
Theo bà Karlin, sự đánh đánh giá đó nhằm hướng đến tăng cường hợp tác với các đồng minh và đối tác để thúc đẩy ổn định khu vực và ngăn chặn sự xâm lược quân sự của Trung Quốc cũng như các mối đe dọa từ Triều Tiên.
Cụ thể hơn, Lầu Năm Góc tăng cường tiếp cận các hoạt động hợp tác quân sự, tăng cường cơ sở hạ tầng ở Guam và Úc, đồng thời ưu tiên xây dựng quân sự trên các quần đảo ở nam Thái Bình Dương. Bên cạnh đó, Mỹ cũng triển khai luân phiên máy bay quân sự và hợp tác hậu cần ở Úc.
Có thể thấy, một trong các điểm nổi bật nhất của kế hoạch trên nhằm củng cố năng lực quân sự cho đảo Guam - nơi Mỹ đặt nhiều hạ tầng, khí tài quân sự quan trọng. Trong cuộc điều trần tại Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ hồi tháng 3, Tư lệnh Bộ chỉ huy Indo-Pacific của nước này khi đó là đô đốc Philip Davidson từng cảnh báo nguy cơ đảo Guam bị quân đội Trung Quốc “đánh úp”.
Thời gian qua, Trung Quốc thường xuyên quảng bá việc sở hữu các loại tên lửa đạn đạo tầm trung và liên lục địa. Truyền thông Trung Quốc còn gọi tên lửa đạn đạo Đông Phong 26 (DF-26) là “tên lửa diệt Guam” với tầm bắn 4.000 km. Cuối tháng 8.2020, Trung Quốc đã bắn thử 2 tên lửa Đông Phong 21 (DF-21) và DF-26 tới Biển Đông. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đã thử nghiệm việc khai hỏa tên lửa DF-21 từ máy bay ném bom H-6K và đã tung ra đoạn video được cắt ghép có nội dung tấn công đảo Guam. Đồng thời, Bắc Kinh những năm qua đã xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự trên các đảo nhân tạo Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng bị Trung Quốc chiếm đóng phi pháp.
Trong số các hạ tầng này, có cả nhà chứa máy bay, đường băng đủ sức đáp ứng cho máy bay thuộc dòng oanh tạc cơ H-6 hoạt động. Cho nên, từ Trường Sa, máy bay H-6K có thể được Bắc Kinh điều động cất cánh, tiếp cận phóng tên lửa DF-21 đến đảo Guam.
Vành đai chiến lược
Về tổng thể kế hoạch của Lầu Năm Góc còn nhằm siết chặt vành đai chiến lược quan trọng của Mỹ ở Thái Bình Dương. Vành đai này bao gồm Hawaii, đảo Guam, các quốc đảo khu vực nam Thái Bình Dương và Úc có vai trò chiến lược quan trọng đối với Mỹ. Trong đó, các quốc đảo ở nam Thái Bình Dương trở thành mục tiêu mà Trung Quốc muốn gây ảnh hưởng trong những năm gần đây.
Nỗ lực của Mỹ còn có sự cộng lực từ các thành viên khác trong “bộ tứ kim cương” như Nhật Bản và Úc. Trong năm nay, Úc đã viện trợ số lượng lớn vắc xin Covid-19 cho các nước láng giềng ở nam Thái Bình Dương. Trước đó, hồi đầu năm, Úc đã cam kết hỗ trợ 500 triệu AUD cho các nước vừa nêu, nhằm mục tiêu đảm bảo người dân trong khu vực được tiêm chủng đầy đủ. Cách đây chưa lâu, Canberra cũng đã ký thỏa thuận với Fiji cho phép hai bên triển khai lực lượng và tập trận quân sự chung.
Hồi tháng 9, ông Yoshihide Suga, Thủ tướng Nhật khi đó, điện đàm riêng với 6 lãnh đạo của 6 đảo quốc nam Thái Bình Dương để kêu gọi sự hợp tác của các đảo quốc này, nhằm hiện thực hóa một khu vực Indo-Pacific tự do và rộng mở.
“Gần đây, Trung Quốc mở rộng năng lực tấn công của tên lửa lẫn không quân khiến cho căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản hay Philippines đều nằm trong tầm tấn công của Bắc Kinh. Trung Quốc cũng mở rộng hoạt động hải quân ở vùng biển phía đông Philippines. Vì thế, Washington cần củng cố thêm các căn cứ hỗ trợ. Trong đó, đối với Washington thì các cơ sở ở Hawaii, đảo Guam và Palau có ý nghĩa rất quan trọng khi đóng vai trò như tuyến hậu cần an toàn từ lục địa Mỹ đến Philippines”, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) đánh giá khi trả lời Thanh Niên.
Bên cạnh đó, với vị trí giao giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, Úc trở thành một chốt chặn quan trọng của vành đai trên để Mỹ có thể đối phó tham vọng quân sự của Trung Quốc ở Indo-Pacific.
Bình luận