Nhiều động thái của Washington
Hôm qua (27.7), nằm trong khuôn khổ chuyến công du 3 nước Tonga, New Zealand và Úc, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã có cuộc gặp với Thủ tướng Chris Hipkins và Ngoại trưởng Nanaia Mahuta của New Zealand.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Wellington, Ngoại trưởng Blinken tuyên bố: "Cánh cửa (AUKUS - NV) đang rất rộng mở cho New Zealand và các đối tác khác tham gia khi họ thấy phù hợp". AUKUS là thỏa thuận 3 bên giữa Mỹ, Úc và Anh mà trong đó có cam kết của Washington và London về việc cung cấp công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Canberra.
Trước đó, ngày 26.7, ông Blinken trở thành Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên đến thăm Tonga. Tại nước này, bên cạnh việc cam kết hỗ trợ một số dự án của Tonga, Ngoại trưởng Blinken cũng cảnh báo các khoản đầu tư đang tăng nhanh từ Trung Quốc có thể kéo theo những hệ lụy khác.
Điểm đến cuối cùng trong chuyến công du là Úc - nơi Mỹ cùng nước chủ nhà và lực lượng quân sự của Nhật, Đức… đang tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn mang tên "Thanh kiếm Talisman". Trong cuộc tập trận, Lực lượng Phòng vệ trên bộ của Nhật Bản (JGSDF) ngày 22.7 phóng một tên lửa đất đối hạm tại bờ biển phía đông Úc ở khu vực vịnh Jervis, cách Sydney khoảng 195 km. Bộ Quốc phòng Úc cho biết đó là lần đầu tiên JGSDF thử nghiệm năng lực tại Úc. Cùng ngày 22.7, tàu tác chiến cận bờ USS Canberra thuộc lớp Independent của Mỹ đã được hải quân nước này biên chế tại Sydney (Úc). Đây là lần đầu tiên, một tàu chiến của Mỹ được biên chế ở nước ngoài.
Trong một diễn biến khác, cũng vào ngày 27.7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin có chuyến thăm Papua New Guinea, đánh dấu lần đầu tiên lãnh đạo Lầu Năm Góc đến thăm quốc gia này, theo AFP. Trong chuyến thăm, phía Mỹ thông báo sẽ triển khai tàu tuần duyên đến Papua New Guinea trong tháng 8, nhưng khẳng định không tìm cách lập căn cứ quân sự lâu dài tại nước này.
Ngoài ra, Reuters đưa tin dự kiến vào tháng 9, Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần 2 với lãnh đạo các nước nam Thái Bình Dương.
Cấu trúc an ninh mới
Trả lời Thanh Niên ngày 27.7, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) chỉ ra: "Gần đây, Mỹ đã chia sẻ các căn cứ hỗ trợ hậu cần và đẩy mạnh hợp tác với nhiều đồng minh và đối tác ở Indo-Pacific. Mỹ biên chế chiến hạm cận bờ USS Canberra tại Úc. Vừa qua, lần đầu tiên tàu chiến của Mỹ được sửa chữa tại một xưởng đóng tàu của Ấn Độ".
Tiếp tục phân tích, ông cho rằng: "Trung Quốc cạnh tranh và tìm cách giảm ảnh hưởng của Mỹ ở khu vực. Vì thế, Mỹ cần thiết lập một cơ sở hậu cần ở Úc và Ấn Độ. Washington cần những cơ sở này vì Bắc Kinh đang tăng cường hiện diện quân sự ở nam Thái Bình Dương. Bắc Kinh cũng đang mở rộng tầm bắn của tên lửa. Nằm trong tầm bắn của tên lửa Trung Quốc, nên các căn cứ quân sự của Mỹ đang bị đe dọa. Vì thế, việc bổ sung các cơ sở mới sẽ giúp nguồn lực của Mỹ nằm ngoài tầm bắn tên lửa của Trung Quốc".
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đang mở rộng ảnh hưởng ở nam Thái Bình Dương. Điển hình, Ngoại trưởng Blinken đang thăm Tonga, New Zealand và Úc để thể hiện sự hiện diện của Washington ở khu vực này. Đây là động thái nhằm đẩy lùi ảnh hưởng của Bắc Kinh khỏi khu vực.
Trong một thời gian dài, hệ thống "trục và nan hoa" đã duy trì trật tự ở Indo-Pacific. Trong hệ thống này, trung tâm là Mỹ và nhiều nan hoa là các đồng minh như Nhật Bản, Úc, Đài Loan, Philippines, Thái Lan và Hàn Quốc ở Indo-Pacific. Một đặc điểm của hệ thống hiện tại là phụ thuộc rất nhiều vào Washington. Ví dụ, mặc dù Nhật Bản và Úc đều là đồng minh của Mỹ, nhưng không có liên minh Nhật Bản - Úc.
Tuy nhiên, những diễn biến gần đây cho thấy hệ thống hiện tại đã không ngăn cản hiệu quả việc Bắc Kinh mở rộng ảnh hưởng. Trong giai đoạn từ năm 2013 - 2022, Trung Quốc đã tăng chi tiêu quân sự lên 63% nhưng Mỹ chỉ tăng ngân sách quân sự lên 2,7%. Ngay cả khi ngân sách quân sự của Mỹ vẫn đang lớn hơn 3 lần so với Trung Quốc, thì hệ thống "trục và nan hoa" hiện tại vẫn không còn hiệu quả.
Vì thế, một hệ thống an ninh theo mô hình mới đang xuất hiện. Nhiều thỏa thuận hợp tác song phương, ba bên, bốn bên hoặc đa phương đã hình thành. Cụ thể, các thỏa thuận giữa Mỹ - Nhật - Ấn, Nhật - Ấn - Úc, Úc - Anh - Mỹ, Ấn Độ - Úc - Indonesia, Ấn Độ - Úc - Pháp và Mỹ - Ấn Độ - Israel - UAE đang tạo ra một mạng lưới hợp tác và chia sẻ gánh nặng an ninh.
Quá trình đó, tạo ra môi trường của những động thái chung như NATO. Vì thế, có thể xem là Mỹ đang đẩy mạnh hình thành mạng lưới kiểu NATO nhưng là phiên bản Indo-Pacific.
Bình luận (0)