Ngày 24.8, Lầu Năm Góc tổ chức họp báo công bố báo cáo về phát triển quân sự và an ninh liên quan đến Trung Quốc năm 2011. Theo website Bộ Quốc phòng Mỹ, đây là báo cáo thường niên đệ trình lên Quốc hội Mỹ để đánh giá, phân tích tình hình phát triển quân sự - an ninh của Trung Quốc. Michael Schiffer, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á, nhận xét trong cuộc họp báo rằng tốc độ và phạm vi đầu tư quân sự Trung Quốc đang theo đuổi là “có khả năng gây mất ổn định trong khu vực. Điều đó “góp phần gây căng thẳng và lo lắng”, theo ông Schiffer.
|
Báo cáo của Lầu Năm Góc nói: “Mười năm qua, Trung Quốc đã có nhiều lợi ích từ các đầu tư mạnh mẽ trong vũ khí hạng nặng và công nghệ tiên tiến”. Bắc Kinh đang nỗ lực phát triển tên lửa chống hạm có thể tấn công tàu sân bay, nâng cấp hệ thống radar tầm xa, tăng cường lực lượng tàu chiến chạy bằng năng lượng hạt nhân. Mỹ cũng nhận định tàu sân bay của Trung Quốc có thể chính thức tham gia các hoạt động vào năm 2012.
Báo cáo trên nhận định: “Sự phát triển của lợi ích kinh tế và địa chiến lược về cơ bản đã thay đổi quan điểm của Bắc Kinh đối với quyền lực biển”. Trước kia, Trung Quốc chỉ cần hải quân cho nguy cơ xung đột tiềm tàng với Đài Loan, nhưng nay họ muốn có sự đảm bảo cho chiến lược hàng hải và những khu vực giàu khoáng sản trên biển Đông. Vì thế, “các lãnh đạo Trung Quốc đã đưa ra chỉ dẫn rõ ràng rằng hải quân đóng vai trò ngày càng quan trọng hơn trong việc bảo vệ lợi ích xa xôi của nước này”, theo Lầu Năm Góc.
Bảo đảm cho những tham vọng
Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ, “cơn khát năng lượng” khiến Trung Quốc phải mua dầu thô và khí đốt từ khắp nơi trên thế giới. Bắc Kinh đã xây dựng và đầu tư các dự án năng lượng tại hơn 50 quốc gia trên cả 5 châu lục. Trong đó, đường biển đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển dầu và nhiều nguyên liệu sản xuất khác của Trung Quốc. Năm 2010, 80% lượng dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua eo biển Malacca. Tình trạng này sẽ còn tiếp diễn lâu dài, khi tỷ trọng năng lượng nhập khẩu của Trung Quốc sẽ tăng từ mức 56% vào năm 2009 lên khoảng 67% vào năm 2015 và năm 2030 là 75%. Vì thế, Bắc Kinh xem việc đảm bảo các tuyến hàng hải để vận chuyển dầu thô và nguyên liệu là mục tiêu chiến lược cho hải quân nước này.
Báo cáo trên cũng đánh giá: “Trung Quốc xem các đại dương là nguồn tài nguyên quan trọng, cung cấp dự trữ khổng lồ về dầu mỏ, khí đốt và thủy sản”. Đó là một trong những lý do khiến Bắc Kinh vướng vào quá nhiều tranh chấp chủ quyền trên biển, gây phản đối lớn với bản đồ đường 9 đoạn bao trùm cả vùng biển Đông và khiến cả những nước nằm tương đối xa như Úc phải lo ngại.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng nói đến việc các tàu ngư chính và hải giám của Trung Quốc, bị cho là tàu bán quân sự, được sự hỗ trợ từ hải quân nước này, thường quấy rối tàu thuyền nước ngoài. Cho nên, Lầu Năm Góc nhận định: “Các năm qua, một số láng giềng của Trung Quốc tỏ ra nghi ngờ những cam kết lâu dài của Bắc Kinh” trong việc hợp tác giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Ngoài tranh chấp trên biển, theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Trung Quốc cũng có tranh chấp lãnh thổ trên đất liền với một số nước xung quanh. Một trong những nguyên nhân có thể là do nước này muốn bảo đảm các tuyến vận chuyển năng lượng trên bộ. Đến ngày 25.8, Trung Quốc chưa có phản ứng gì với báo cáo này của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Ngô Minh Trí
Bình luận (0)