Lầu Năm Góc vẫn đang chuẩn bị giải pháp quân sự để giải quyết vấn đề hạt nhân Iran bất chấp tiến bộ trên lĩnh vực ngoại giao.
Siêu bom MOP sẽ được thả từ các máy bay ném bom tàng hình B-2 - Ảnh: The Aviationist
|
Tờ The Wall Street Journal vào cuối tuần qua tiết lộ Bộ Quốc phòng Mỹ đã tiến hành nâng cấp và thử nghiệm một loại bom phá boong-ke để chuẩn bị cho việc phá hủy hoặc vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân Iran. “Lầu Năm Góc tiếp tục tập trung vào khả năng cung cấp các lựa chọn quân sự đối với Iran nếu cần”, một quan chức cấp cao của Mỹ cho biết.
Theo tờ báo Mỹ, việc nâng cấp loại siêu bom có tên gọi MOP (Massive Ordnance Penetrator) được tiến hành trước vòng đàm phán mới nhất giữa các cường quốc thuộc nhóm P5+1, gồm Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Đức, với Iran. Cuộc thử nghiệm diễn ra tại một địa điểm bí mật vào giữa tháng 1, với sự tham gia của một chiếc máy bay ném bom B-2 cất cánh từ căn cứ không quân Whiteman ở bang Missouri. Theo tờ The Wall Street Journal, khi giới thiệu về MOP cách đây 3 năm, Lầu Năm Góc thừa nhận quả bom nặng hơn 13 tấn này chưa đủ uy lực để phá hủy các cơ sở hạt nhân được kiên cố hóa của Iran. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm mới nhất cho thấy các quả bom hiện đủ sức công phá những mục tiêu nói trên.
Mỹ vốn từ chối cung cấp cho Israel loại bom này nhưng Lầu Năm Góc đã chia sẻ video quay cuộc thử nghiệm cho các quan chức Israel nhằm thuyết phục họ rằng Washington có đủ năng lực để giữ chân Tehran nếu cần. Theo giới tình báo Mỹ, ngay cả khi sử dụng loại bom cải tiến nói trên, một cuộc tấn công quân sự vào các cơ sở hạt nhân Iran chỉ có thể kéo lùi chương trình hạt nhân của Tehran được tối đa là vài năm.
Nhóm P5+1 và Iran đã đạt được thỏa thuận khung nhằm ngăn chặn Tehran phát triển vũ khí hạt nhân vào ngày 2.4. Mặc dù ca ngợi diễn biến được đánh giá là mang tính lịch sử này, giới chức Mỹ cho biết các bên vẫn còn nhiều khác biệt lớn về các điều khoản chi tiết cũng như việc thực thi thỏa thuận. Do vậy, hiện chưa thể chắc chắn về khả năng thỏa thuận cuối cùng sẽ được thông qua trước hạn chót ngày 30.6.
Trong bài phát biểu ngày 2.4, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói ông xem thỏa thuận là cách thức tốt nhất để ngăn chặn một cuộc chiến khác ở Trung Đông. Nhưng ông thừa nhận lựa chọn quân sự vẫn phải được tính đến nếu con đường ngoại giao thất bại. Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif hôm qua đe dọa Tehran sẽ nối lại chương trình hạt nhân của họ nếu phương Tây rút lui khỏi thỏa thuận.
Bình luận (0)