(TNO) Hai máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã bay áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông trong 2 ngày 8 - 9.11 qua, Lầu Năm Góc thông báo ngày 12.11.
Hai máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã bay áp sát các đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trên Biển Đông trong 2 ngày 8 - 9.11 qua - Ảnh: Không quân Mỹ |
Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 12.11 đã công bố hoạt động của máy bay B-52 ngay trước 3 hội nghị thượng đỉnh châu Á - Thái Bình Dương mà Tổng thống Barack Obama sắp tham dự.
Lầu Năm Góc cho biết các chuyến bay đã được thực hiện trong 2 ngày 8 và 9.11 vừa qua, nói thêm rằng phía Trung Quốc từ mặt đất đã liên lạc với đội bay Mỹ nhưng máy bay Mỹ vẫn tiếp tục hành trình bình thường.
Các chiếc B-52 đã cất cánh từ Guam, sau khi bay áp sát các đảo nhân tạo đã quay lại căn cứ.
Theo The Hill, B-52 đã bay vào bên trong khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây dựng phi pháp. Còn theo Reuters, phát ngôn viên Bill Urban của Bộ Quốc phòng Mỹ thì nói B-52 không bay vào trong khu vực 12 hải lý, và nhấn mạnh đó là chuyến bay tuần tra thường lệ.
Đây được xem là phản ứng cứng rắn của Mỹ đối với hành vi của Trung Quốc xây đảo nhân tạo phi pháp trên Biển Đông, tiếp sau vụ tàu khu trục USS Lassen tuần tra bên trong khu vực đảo nhân tạo hồi cu61i tháng 10 qua.
Trong một diễn biến khác, hãng tin Reuters dẫn lời phát ngôn viên Nhà Trắng, ông Josh Earnest nói rằng Biển Đông là đề tài “nằm trong óc và trên lưỡi” của các nhà lãnh đạo tham dự 3 hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Đó là Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á Thái Bình Dương (APEC) tại Philippines, hội nghị thượng đỉnh ASEAN và sau đó là hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Malaysia.
Đá Xu Bi thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam - Ảnh: Reuters/CSIS
|
Tuy nhiên, Nhà Trắng cho biết cho tới nay vẫn chưa biết rõ liệu Biển Đông có nằm trong chương trình nghị sự chính thức của hội nghị nào hay không. Trước đó, Mỹ đã tuyên bố rằng nếu hội nghị chính thức của APEC không đề cập Biển Đông thì vấn đề này cũng sẽ được nêu ra trong các hội nghị bên lề.
“Chúng tôi rất quan tâm tới việc bảo vệ tự do hàng hải, tự do lưu thông hàng hóa ở Biển Đông. Và chúng tôi sẽ tiếp tục khuyến khích tất cả các bên, dù lớn dù nhỏ, giải quyết các khác biệt thông qua con đường ngoại giao mà không tìm cách dùng ưu thế về quy mô hay sức mạnh của mình để hăm dọa láng giềng, ông Earnest phát biểu.
Bình luận (0)