AFP đưa tin 4 con tàu nói trên đã khởi hành từ Căn cứ liên hợp Langley-Eustis ở Virginia. Lớn nhất trong số đó là một tàu hỗ trợ hậu cần (LSV) của Lục quân Mỹ. Hoạt động này nằm trong nỗ lực của Washington nhằm tăng cường hàng cứu trợ cho người dân ở Dải Gaza, giữa lúc Israel gây khó khăn cho các nỗ lực vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ.
Cảng dã chiến sẽ bao gồm một nền tảng trên biển để chuyển hàng cứu trợ từ các tàu lớn sang các tàu nhỏ hơn và một bến tàu để đưa hàng hóa vào bờ. Cơ sở này dự kiến sẽ đi vào hoạt động "sau 60 ngày", theo thiếu tướng Lục quân Mỹ Brad Hinson.
"Một khi chúng tôi hoàn toàn có đủ khả năng thực hiện sứ mệnh, chúng tôi sẽ có thể đưa tới hai triệu bữa ăn hoặc hai triệu chai nước lên bờ mỗi ngày", AFP dẫn lời ông Hinson nói với các nhà báo trong lễ đưa tiễn các tàu lên đường hôm 12.3.
Các quan chức Mỹ cho biết nỗ lực này sẽ không liên quan đến "việc triển khai lực lượng trên bộ" ở Gaza, nhưng quân đội Mỹ sẽ đến gần lãnh thổ ven biển bị bao vây khi họ xây dựng bến tàu vốn phải được neo vào bờ.
Chiến tranh, nạn đói phủ bóng đen lên tháng Ramadan ở Gaza
"Tôi sẽ không đi vào chi tiết về việc chúng tôi đang hợp tác với ai để thiết lập bến tàu, nhưng chúng tôi sẽ nhận được một số hỗ trợ", ông Hinson cho biết, từ chối thảo luận về các biện pháp an ninh.
Khi được hỏi liệu việc triển khai theo kế hoạch này có còn diễn ra trong trường hợp các bên không đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza hay không, ông Hinson nói: "Chúng tôi quyết tâm thiết lập khả năng này trong 60 ngày tới".
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao của chính quyền Mỹ tuần trước đã cảnh báo rằng việc ngừng bắn là cần thiết "để thực sự giải quyết các nhu cầu cấp thiết của dân thường ở Gaza và cho phép các đối tác nhân đạo phân phối viện trợ cứu người khắp Gaza một cách an toàn ở quy mô cần thiết".
Ông Hinson cho hay tổng cộng khoảng 500 binh sĩ từ Lữ đoàn Vận tải số 7 (Viễn chinh) sẽ tham gia chiến dịch này và mô tả đây là "đơn vị tàu thủy hàng đầu trong Lục quân của chúng ta".
"Họ có thể cung cấp các hỗ trợ bền vững trên mặt nước trong môi trường khắc nghiệt. Họ được huấn luyện để làm việc này và họ đã trải qua nhiều lần diễn tập để sẵn sàng cung cấp khả năng này", ông nói.
Lượng hàng cứu trợ được đưa đến Gaza bằng xe tải đã giảm mạnh sau 5 tháng chiến sự và người dân Gaza đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực, nước uống và thuốc men trầm trọng.
Trong tháng này, Mỹ đã thực hiện các chiến dịch thả hàng cứu trợ từ máy bay ở Gaza, nhưng số người cần được trợ giúp lớn hơn nhiều so với số người có thể tiếp nhận các thùng hàng này.
Trong diễn biến khác, AFP dẫn một nguồn tin ngoại giao cho biết Morocco hôm 12.3 đã chuyển 40 tấn hàng cứu trợ nhân đạo đến Gaza thông qua một sân bay của Israel, nỗ lực mới nhất nhằm đa dạng hóa các tuyến viện trợ đi vào lãnh thổ này.
Bé gái 11 tuổi kể lại khoảnh khắc được kéo ra khỏi đống đổ nát ở Gaza
Nguồn tin trong lĩnh vực ngoại giao ở Morocco tiết lộ viện trợ lương thực đã được vận chuyển đến sân bay Ben Gurion gần thành phố Tel Aviv của Israel, sau đó được bàn giao cho Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine tại cửa khẩu Kerem Shalom giữa Israel và Gaza.
Trong một tuyên bố, Bộ Ngoại giao Morocco cho biết: "Morocco là quốc gia đầu tiên vận chuyển viện trợ nhân đạo qua tuyến đường bộ chưa từng có tiền lệ này". Các quan chức Israel không thể xác nhận ngay liệu sáng kiến của Morocco có phải là tuyến đường bộ đầu tiên đưa viện trợ nước ngoài vào Gaza thông qua lãnh thổ Israel hay không.
Kể từ khi chiến sự bắt đầu vào ngày 7.10.2023, các xe tải viện trợ thường tiến vào Gaza qua ngả Ai Cập.
Bình luận (0)