(TNO) Việc Mỹ cho tàu chiến đi vào khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp là cần thiết và là phản ứng phù hợp dù muộn màng đối với hành động quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực (Biển Đông), một quan chức Hạ viện Mỹ phát biểu.
Tàu USS Lassen của Mỹ trong vùng biển Tây Thái Bình Dương - Ảnh: Reuters |
Trả lời phỏng vấn tờ The Washington Post ngày 27.10, bà Bonnie Glaser, chuyên gia về quân sự Trung Quốc ở Trung tâm nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS, trụ sở tại Washington, Mỹ), cho biết bà ủng hộ kế hoạch hành động của Washington. “Việc này lẽ ra phải được triển khai từ lâu”, chuyên gia này phát biểu.
Theo bà Glaser, Hải quân Mỹ nhiều lần muốn đưa tàu chiến áp sát khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo Trung Quốc xây phi pháp nhưng vấp phải sự phản đối từ chính phủ của Tổng thống Barack Obama. Dù ủng hộ động thái ngày hôm nay của Mỹ, bà Blaser vẫn thừa nhận rằng điều đó sẽ không thể ngăn Bắc Kinh tiếp tục xây dựng hay quân sự hóa đường băng trên đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, có nhiều lý do để Mỹ tự tin với hành động chiến lược của mình.
“Chúng ta có mục tiêu là tự do hàng hải, dù thực sự nó không phải là mục tiêu muốn nhắm tới. Đơn giản là di chuyển trên biển theo đúng luật pháp quốc tế”, bà này nói.
Ông Randy Forbes, chủ tịch tiểu ban Hải lực và Triển khai Lực lượng thuộc Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, đánh giá cao về hành động của Mỹ. “Việc tàu chiến Mỹ đi vào khu vực 12 hải lý quanh các đảo nhân tạo là cần thiết và là phản ứng phù hợp dù muộn màng đối với hành động quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực (Biển Đông)”, ông Forbes phát biểu, theo Post Gazette.
Phó giáo sư Andrew Erickson ở trường Hải chiến Mỹ ở Newport gọi hành động của Mỹ là “thực thi cam kết duy trì hệ thống rộng mở toàn cầu với những hoạt động thông thương quốc tế mà bất kỳ quốc gia nào cũng có thể sử dụng nếu tuân thủ luật pháp quốc tế".
"Như có thể thấy từ hoạt động tự nhiên không bị cản trở và hòa bình đó (ám chỉ việc đưa tàu tuần tra của Mỹ), Trung Quốc và Mỹ chia sẻ lợi ích trong việc giữ cho các tuyến đường biển quan trọng ở Biển Đông được ổn định và rộng mở", ông Erickson được Reuters trích phát biểu.
Còn ông Taylor Fravel, chuyên gia về hàng hải Trung Quốc tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ), nhận định đây có thể là cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc "đình đám" nhất đối với công chúng.
Sẽ có đối đầu?
Trung Quốc xây dựng đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông - Ảnh: AFP
|
Trong khi đó, Giám đốc chương trình an ninh quốc ở Viện Lowy, Sydney cho rằng Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục to mồm, lên tiếng phản đối mạnh mẽ về việc Mỹ điều tàu vào khu vực 12 hải lý quanh đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông nhưng sẽ không dám triển khai hoạt động quân sự để đối đầu với Mỹ.
"Tôi hy vọng Trung Quốc sẽ chỉ phản ứng ầm ĩ về mặt ngoại giao. Bắc Kinh cũng đã tự đưa mình vào góc kẹt khi đơn phương đòi hỏi chủ quyền (phi lý) ở Trường Sa", ông Graham nói. Tuy nhiên, theo ông việc tuần tra của Mỹ có thể sẽ đẩy Trung Quốc đến những hành động khiêu chiến hơn nữa để tiếp tục khẳng định chủ quyền vô lý của mình trong khu vực thông qua việc đòi hỏi nhiều hơn và quân sự hóa lớn hơn.
Michael Green, cựu chuyên gia của Hội đồng an ninh quốc gia Mỹ, cũng có nhận định tương tự. Vị này nói rằng dù Trung Quốc không có dấu hiệu nào cho thấy sẽ ngưng cải tạo hoặc nhượng bộ trong đòi hỏi chủ quyền nhưng Bắc Kinh không dám đối đầu quân sự với Mỹ.
“Tôi không tin Trung Quốc sẽ thích thú với việc đối đầu quân sự. Đó sẽ là một thảm họa trong tình hình nền kinh tế của Trung Quốc đang rất tồi tệ”, ông Green, hiện làm việc cho CSIS, nhận định trên chuyên san Foreign Policy.
Trong khi đó, giáo sư Xu Liping của Viện nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Học viện khoa học xã hội Trung Quốc nói với Bloomberg "với vẻ lo ngại" rằng hành động của Mỹ “chỉ phá hỏng sự ổn định ở Biển Đông và gửi đi một thông điệp sai lầm đến các nước láng giềng như Philippines và khiến họ hành động đầy rủi ro”.
Bình luận (0)