Washington sẽ dùng chiến thuật "mềm mại", thay vì trừng phạt nghiêm khắc những đối tượng có khả năng vi phạm mức trần 60 USD/thùng (1,4 triệu đồng/thùng) mà G7 áp lên dầu thô được vận chuyển bằng đường biển của Nga. Theo nguồn tin, việc Mỹ thay đổi cách tiếp cận là để đảm bảo thị trường năng lượng không bị đảo lộn.
Mỹ cẩn trọng hơn
"Xu hướng ban đầu của Bộ Tài chính Mỹ là mềm mỏng, không giáng đòn như búa bổ vào tàu chở dầu và chủ tàu, để thực thi. Thay vào đó, Bộ sẽ tiến hành một cách lặng lẽ bằng thư từ, điện thoại", nguồn tin của Reuters cho hay.
Mỹ dịu giọng để ngăn dầu Nga vượt giá trần của G7?
Theo đó, các quan chức Mỹ có thể sẽ tăng cường liên lạc với các công ty thương mại, chủ tàu chở dầu, công ty bảo hiểm,... để nhắc họ rằng nếu sử dụng các dịch vụ hàng hải của phương Tây, thì phải lưu giữ các bằng chứng cho thấy dầu của Nga được mua dưới 60 USD.
Một quan chức Mỹ yêu cầu không nêu tên cho biết các cuộc trò chuyện như vậy với các nhà cung cấp dịch vụ đã diễn ra liên tục.
Thứ trưởng Tài chính Mỹ Wally Adeyemo gần đây đã nói chuyện với các quốc gia có đội tàu thương mại vận tải biển. Trong khi đó, bà Elizabeth Rosenberg, trợ lý Bộ Tài chính, chuyên giám sát khủng bố và tội phạm tài chính, đã gọi cho đại diện các nhà cung cấp bảo hiểm tàu biển (câu lạc bộ P&I) để nhắc nhở tuân thủ mức trần.
Có thể thấy, chính phủ Mỹ đang cẩn trọng hơn, và đặc biệt cảnh giác với việc tạo ra những gợn sóng trong một thị trường đang thiếu tính ổn định, nhằm ngăn nguy cơ giá dầu biến động mạnh.
Xuất khẩu mua khí tự nhiên hóa lỏng LNG Nga giảm
Một nguồn tin của Reuters nói chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang trong tình trạng "khó khăn về chính sách" vì vừa phải đảm bảo giá trần không bị phá vỡ, vừa phải ngăn nguy cơ giáng đòn mạnh vào thị trường. Giá năng lượng cao là một rủi ro chính trị đối với ông Biden, người đang tìm cách tái tranh cử vào năm 2024.
Nguyên nhân giá dầu Nga vượt trần?
Theo dữ liệu được CNN công bố trong tháng này, dầu thô Urals của Nga đã được giao dịch ngang hoặc cao hơn mức trần trong gần 2 tuần. Bộ Tài chính Mỹ sử dụng thống kê trung bình hàng tháng để tính giá Urals, có nghĩa là có thể mất một thời gian trước khi giá dầu của Nga bị phát hiện vượt trần.
Còn theo tờ The Wall Street Journal, quyết định cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ và đối tác (OPEC+) cũng đã giúp đẩy giá dầu thô của Nga vượt giới hạn 60 USD.
Một nguồn tin từ chính phủ Mỹ cho biết giá Urals cao là do chi phí phát sinh các giao dịch gần đây. Theo người này, doanh số bán hàng, chủ yếu cho Ấn Độ và Trung Quốc, rất tốn kém đối với Nga. Moscow phải chi tiền cho 1 đội tàu chở dầu "ma" và các chi phí khác để vận chuyển dầu trên quãng đường dài thay vì thông qua các đường ống đến châu Âu.
Đại diện Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay bộ này đang giám sát chặt chẽ tất cả tàu tham gia vận chuyển dầu thô và các sản phẩm dầu mỏ từ Nga. Theo Reuters, nếu giá dầu Urals tiếp tục tăng cao hơn mức trần, Washington có thể thúc giục các nước G7 và Liên minh châu Âu (EU) tăng mức giới hạn này. Tuy nhiên, điều này chắc chắn vấp phải sự phản đối từ các nước Đông Âu và các nhà lập pháp Mỹ.
Các lệnh trừng phạt đối với dầu mỏ của Nga không hiệu quả
Ông Ben Cahill, chuyên gia về an ninh năng lượng và khí hậu tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS, Mỹ) đồng ý rằng việc thực thi sẽ được tiến hành từ từ.
"Chúng tôi có thể thấy việc thực thi mạnh mẽ hơn đối với đội tàu chở dầu và theo dõi quyền sở hữu của các tàu, cũng như chất lượng chứng thực giấy tờ đã tốt hơn. Tuy nhiên, sẽ không có sự thay đổi đáng kể trừ khi giá dầu ở mức cao trong một thời gian", ông Cahill nói.
Tuy nhiên, ông Matthew Wright, nhà phân tích tại công ty dữ liệu tình báo Kpler (Mỹ), nói với CNN rằng bất chấp giá dầu tăng, những người mua như Ấn Độ khó có thể quay lưng lại với dầu của Nga. Moscow là nhà cung cấp dầu thô hàng đầu cho quốc gia Nam Á này trong tháng 5, chiếm 46% lượng nhập khẩu.
Thay vào đó, ông Wright dự báo sẽ có thêm nhiều tàu không thuộc sở hữu EU vận chuyển dầu thô của Nga. "Có quá nhiều tàu để giữ cho dầu thô của Nga được vận chuyển", ông nói thêm.
Bình luận (0)