Đang cáo buộc Iran có các cơ sở hạt nhân trong lòng đất, Mỹ bất ngờ bổ sung loại bom đủ sức xuyên qua nhiều lớp bê tông cốt thép.
Trong chiến tranh hiện đại, bom không chỉ được sử dụng để tiêu diệt những mục tiêu trên mặt đất mà còn có nhiệm vụ phá hủy các cơ sở bên dưới lòng đất. Để làm được điều này, một số loại bom thế hệ mới được trang bị khả năng xuyên thủng qua nhiều lớp bê tông cốt thép rồi mới phát nổ. Vì thế, các boong ke đang gặp thách thức lớn trước các loại bom có sức xuyên thấu lớn.
Xuyên 60m bê tông
AFP dẫn lời giới chức quân sự Mỹ cho biết nước này vừa đưa vào sử dụng một loại bom mới, thuộc dự án mang tên GBU-57, được dùng để tấn công phá hủy các mục tiêu bên dưới lòng đất. Loại bom mới có đường kính 0,8m, dài 6m và nặng xấp xỉ 14 tấn. Như vậy, bom GBU-57 nặng hơn rất nhiều so với con số 2,3 tấn của loại GBU-28, vốn là “sát thủ boong ke” lừng danh mà nước Mỹ tự hào trong nhiều năm qua.
Không chỉ có kích thước lớn, GBU-57 còn có sức công phá đáng sợ khi lõi bên trong chứa đến 2,5 tấn thuốc nổ. Bom này còn tích hợp khả năng dẫn đường nhờ hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu để đảm bảo tính chính xác. Sau khi được phóng đi từ máy bay, bom GBU-57 sẽ xuyên thấu các tầng bê tông cốt thép nhờ vào tốc độ cao kết hợp cùng lớp vỏ cực cứng. Giống như nhiều loại bom xuyên phá khác, phía đuôi GBU-57 được trang bị thêm hệ thống quạt đẩy giúp tăng tốc độ để có thể xuyên phá sâu hơn. Sau khi đạt được độ sâu tối đa có thể, bom sẽ tự động kích nổ phá hủy mục tiêu. Tùy thuộc vào độ cứng của bê tông, bom GBU-57 có thể xuyên qua từ 8 - 60m bê tông cốt thép trước khi phát nổ.
|
Quân đội Mỹ không tiết lộ chính xác số lượng bom GBU-57 họ muốn sở hữu cũng như những thông tin chi tiết liên quan đến kế hoạch chế tạo. Tuy nhiên, AFP đưa tin những quả bom GBU-57 đầu tiên được giao hàng nằm trong số 8 quả bom của hợp đồng trị giá 32 triệu USD mà Lầu Năm Góc giao cho Tập đoàn Boeing. Trong khi đó, tờ Los Angeles Times dẫn một số nguồn tin cho biết Lầu Năm Góc đã đặt hàng 20 quả bom GBU-57 với tổng trị giá lên đến 314 triệu USD.
Dự án phát triển các loại bom trọng lượng lớn và sức xuyên phá mạnh đã được 2 tập đoàn Northrop Grumman và Lockheed Martin cùng tiến hành nghiên cứu phát triển từ năm 2002. Khi đó, để chuẩn bị tấn công Iraq, Mỹ mong muốn có một loại bom mới vì lo ngại dòng GBU-28 đã bị “bắt bài” do từng sử dụng quá nhiều trong chiến tranh vùng Vịnh lần đầu hồi 1991. Tuy nhiên, thực tế cuộc chiến Iraq năm 2003 cho thấy Mỹ chưa cần đến loại bom khủng này, đồng thời những khó khăn về kỹ thuật và ngân sách khiến dự án bị tạm ngưng. Gần đây, dự án được nối lại với Boeing và đã chính thức hoàn thiện loại bom mới GBU-57.
Theo Bloomberg, bom GBU-57 đã nhanh chóng được triển khai lên các máy bay ném bom tàng hình B-2 sau khi Boeing bắt đầu giao hàng hồi tháng 9. Với ưu thế về hình dáng và lớp vỏ tiên tiến, máy bay B-2 có khả năng lẩn tránh ra đa để xâm nhập sâu vào bên trong không phận các nước. Loại máy bay này còn có thể mang theo nhiều bom lớn. Trong suốt các cuộc chiến Afghanistan và Iraq, B-2 luôn đóng vai trò quan trọng. Mới đây, B-2 cũng đã được triển khai sang Libya để tham gia chiến dịch không kích và thiết lập vùng cấm bay của NATO. Trong các kịch bản Mỹ tấn công Iran mà giới chuyên gia nói đến, máy bay B-2 luôn được nhận định sẽ đóng vai trò tiên phong.
|
“Hù” Iran
Từ năm 2009, một quan chức cấp cao của Bộ Quốc phòng Mỹ tên Robert Hale đã kêu gọi đẩy nhanh việc phát triển bom phá boong ke để tăng khả năng tấn công các mục tiêu kiên cố nằm sâu dưới lòng đất, theo Bloomberg. Các chỉ huy hàng đầu của quân Mỹ tại châu Á và Trung Đông gần đây cũng liên tục đưa ra nhận định tương tự. Những tuyên bố này lại trùng thời điểm Mỹ và Israel liên tục cáo buộc Iran đang muốn phát triển vũ khí hạt nhân và đã di dời các cở sở nguyên tử xuống sâu trong lòng đất hoặc trong các ngọn núi. Gần đây cũng rộ lên nhiều đồn đoán rằng Iran sắp bị tấn công dù khả năng này khá thấp.
Chính vì thế, ngay khi Mỹ tuyên bố vừa bổ sung bom GBU-57, giới quan sát liền xem đây là một động thái “hù dọa” của Washington đối với Tehran. Tuy nhiên, giới chức quân sự Mỹ đã lên tiếng khẳng định việc này chỉ để tăng cường năng lực chiến đấu chứ không nhằm vào quốc gia cụ thể nào.
Ngoài ra, nhiều nguồn tin cho biết trong các năm qua, Mỹ đã âm thầm chuyển cho Israel các loại bom chuyên phá hầm ngầm. Theo tiết lộ của tạp chí Newsweek hồi tháng 9, Washington đã chuyển giao khoảng 55 quả bom xuyên phá cho Tel Aviv. Năm 2005, Israel lần đầu tiên đề nghị Mỹ bán bom xuyên phá nhưng bị từ chối. Thời điểm đó, Lầu Năm Góc đang đóng băng toàn bộ quan hệ quân sự với Israel vì cáo buộc nước này xuất khẩu công nghệ vũ khí tiên tiến cho Trung Quốc. Ngoài ra, lúc bấy giờ Mỹ cho rằng việc bán bom GBU-28 cho Israel có thể bị xem là mặc nhiên ủng hộ tấn công Iran. Tuy vậy, chính quyền Tổng thống George W.Bush vào năm 2007 quyết định bán cho Israel các loại bom xuyên phá hầm ngầm, nhưng không chuyển giao ngay. Mãi đến năm 2009, những quả bom đầu tiên mới đến tay Tel Aviv. Theo tài liệu mật do WikiLeaks tiết lộ, Đại sứ quán Mỹ tại Tel Aviv vào năm 2009 từng lưu ý rằng: “Việc chuyển nhượng nên được xử lý âm thầm để tránh bị cáo buộc ủng hộ Israel đánh Iran”.
Liên quan đến sự việc trên, tờ The Guardian còn dẫn lời một quan chức cấp cao quân sự Mỹ giấu tên cho biết: “Mối quan hệ chiến lược giữa Obama và Netanyahu sâu sắc hơn người ta tưởng”. Theo đó, dù có nhiều bất đồng nhưng quan hệ giữa chính quyền của ông Obama và chính quyền Israel do Thủ tướng Benjamin Netanyahu đứng đầu vẫn rất nồng ấm. Vì thế, giới quan sát cho rằng khả năng Washington ủng hộ Tel Aviv tấn công các cơ sở hạt nhân của Tehran không phải là không có. Nếu thật vậy, càng có cơ sở để đặt dấu hỏi về thời điểm Mỹ công bố bom khủng GBU-57.
Mỹ thử thành công vũ khí siêu thanh Mỹ vừa thử nghiệm thành công tàu lượn mang tên Vũ khí siêu thanh tối tân (AHW), có khả năng tấn công bất cứ mục tiêu nào trên trái đất trong vòng một giờ, theo Fox News. Tàu lượn AHW đã “xé toạc” bầu trời Thái Bình Dương vài lần hôm 17.11, trong cuộc bay thử được Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố là thành công mỹ mãn. Được phóng lên từ căn cứ trên đảo Kauai thuộc Hawaii, AHW đánh trúng mục tiêu gần quần đảo Marshall sau khi bay quãng đường 4.000 km với vận tốc chưa công bố. Theo giới chuyên gia, AHW có thể đã bay nhanh hơn gấp 5 lần vận tốc âm thanh. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, AHW được gắn trên hệ thống đẩy 3 tầng, lượn xuyên thượng tầng khí quyển trước khi đáp xuống Địa điểm thử nghiệm Reagan gần Marshall. Fox News đưa tin trong năm nay, Lầu Năm Góc đã chi 69 triệu USD cho dự án AHW. Trong một diễn biến khác, Lầu Năm Góc thông báo đã dành cho Tập đoàn Lockheed Martin hợp đồng 7,4 tỉ USD để nâng cấp máy bay chiến đấu F-22. Theo AP, Lockheed Martin sẽ tiến hành nâng cấp hệ thống, bổ sung những tính năng mới cho F-22. Thụy Miên |
Bom “cha” và bom “mẹ” Lâu nay, việc phát triển các loại bom phi hạt nhân có sức công phá lớn, dùng tấn công diện rộng trên mặt đất, luôn là ưu tiên của Mỹ. Tuy nhiên, trong lĩnh vực này thì hiện Nga phần nào đang chiếm ưu thế hơn. Năm 2003, Mỹ giới thiệu bom “mẹ” (GBU-43/B Massive Ordnance Air Blast bomb) và tới năm 2007, Nga chế tạo bom “cha” (ATBIP) với sức công phá lớn hơn. Cả hai loại này đang được xem là các loại bom phi hạt nhân khủng nhất thế giới và được dẫn đường bằng hệ thống vệ tinh định vị.
|
Ngô Minh Trí
Bình luận (0)