Một phát minh công nghệ hỗ trợ các phi công lái máy bay chiến đấu hồi thế chiến thứ hai hiện trở thành vấn đề gây đau đầu cho các hãng hàng không mở đường bay đến Mỹ cũng như những hãng nội địa.
Tầm quan trọng của cao độ kế
Thiết bị gây tranh cãi chính là cao độ kế vô tuyến. Được phát triển vào thập niên 1920, đến nay cao độ kế vẫn đóng vai trò trò then chốt cho các máy bay, giúp cơ trưởng xác định được độ cao của máy bay và khoảng cách giữa máy bay họ đang điều khiển với những vật thể khác.
Ở một số dòng máy bay, các thông số về độ cao được nạp trực tiếp vào các hệ thống tự động mà không cần thao tác của phi công. Cao độ kế đặc biệt quan trọng khi máy bay cần hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu, tầm nhìn bị hạn chế.
Trong khi đó, mạng không dây 5G băng tần C (5G C-band) đang được các nhà mạng như AT&T và Verizon triển khai ở Mỹ lại hoạt động ở tần số tương tự như cao độ kế.
"Chẳng ai muốn có mặt trên máy bay hạ cánh trong tình trạng không có cao độ kế", tờ The New York Times dẫn lời bà Diana Furchtgott-Roth, cựu thứ trưởng phụ trách nghiên cứu những công nghệ mới của Bộ Giao thông Mỹ. Bà bổ sung giới chức điều phối hàng không Mỹ đã đúng khi lên tiếng quan ngại về 5G và thực thi các bước phù hợp để đảm bảo an toàn cho hoạt động hàng không dân dụng.
Hàng không Mỹ hoảng hốt vì nguy cơ "thảm họa mạng 5G"
Nếu cao độ kế bị nhiễu loạn vì tín hiệu 5G, máy bay có thể dẫn đến kích hoạt chậm trễ các bộ phận cho phép giảm tốc độ của máy bay sau khi đáp. Theo giải thích của Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), điều này có nghĩa là, trong trường hợp xấu nhất, một máy bay có thể chạy khỏi đường băng của phi trường.
Hãng tin AP hồi đầu năm 2022 dẫn cảnh báo của FAA rằng các máy bay Boeing 787, được hơn 80 hãng hàng không quốc tế khai thác vào thời điểm đó, là dòng dễ bị nhiễu sóng 5G vào thời điểm hạ cánh tại các phi trường ở Mỹ. Khi ấy, Đài CNN đưa tin một số chuyến bay đến Mỹ đã bị hoãn hoặc hủy chuyến theo sau cảnh báo của FAA.
Tình trạng trên có thể tái diễn trong tương lai không xa nếu quá trình nâng cấp cao độ kế không đáp ứng thời hạn của FAA.
Nguy cơ gián đoạn hàng không
Vào tháng 1, FAA đề nghị các máy bay chở khách và vận chuyển hàng hóa ở Mỹ phải được trang bị cao độ kế chống nhiễu sóng 5G hoặc bộ lọc thích hợp vào ngày 1.2.2024.
Trong số 7.993 máy bay đăng ký hoạt động ở Mỹ, FAA cho rằng có khoảng 180 chiếc cần thay cao độ kế và 820 chiếc cần bổ sung bộ lọc để đáp ứng an toàn bay. Ước tính tổng chi phí cho quá trình này vào khoảng 26 triệu USD.
Tuy nhiên, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), đại diện hơn 100 hãng hàng không bay đến Mỹ, hôm 10.2 ước tính việc nâng cấp cao độ kế có thể lên đến ít nhất 637 triệu USD. Con số này cao gấp nhiều lần so với tính toán trước đó FAA.
Một ngày sau, Hiệp hội các hãng hàng không Mỹ (A4A), đại diện cho những hãng như American Airlines, Delta Air Lines, United Airlines…, thúc giục FAA hãy kéo dài thời hạn trên.
A4A cho rằng nên lùi hạn chót thực hiện đến tháng 6.2024 dựa trên thực trạng của ngành và cho phép nhiều máy bay tiếp tục vận hành an toàn. Hiệp hội cảnh báo không ít máy bay chở khách của các hãng hàng không Mỹ sẽ khó thực hiện điều chỉnh kịp thời vào thời điểm tháng 2.2024, dẫn đến nguy cơ trễ hoặc thậm chí hoãn chuyến bay.
Và IATA cũng lên tiếng cảnh báo nguy cơ tương tự, theo Reuters.
Khách bay châu Âu sắp thoải mái xài 5G, khỏi lo 'chế độ máy bay'
Trước đó, hai nhà mạng Verizon và AT&T hồi tháng 6.2022 đồng ý hoãn lại việc đưa vào sử dụng một số dịch vụ 5G cho đến tháng 7 năm nay, cho phép các hãng hàng không có thời gian nâng cấp cao độ kế hoặc gắn thêm bộ lọc chống nhiễu mạng.
Phía nhà mạng ở Mỹ đã chi hơn 80 tỉ USD cho việc lắp đặt băng tần C của mạng 5G. Vì thế, Hiệp hội CTIA, đại diện cho Verizon và AT&T, cho rằng FAA không nên tiếp tục gia hạn để tránh ảnh hưởng đến tiến độ triển khai mạng không dây tốc độ cao ở Mỹ.
Bình luận (0)