Mỹ cấp tập cải tiến và phát triển những loại vũ khí đối hạm mới trong bối cảnh tình hình các vùng biển khu vực đang diễn biến phức tạp.
Hải quân Mỹ đang cải tiến các tên lửa Tomahawk và SM-6 để phù hợp với yêu cầu mới - Ảnh: Breitbart |
Trong nỗ lực phát triển năng lực ứng phó nguy cơ bất ổn ngày càng lớn tại các vùng biển châu Á - Thái Bình Dương, hải quân đang triển khai kế hoạch trang bị cho các hạm đội những dòng vũ khí chống tàu mới bằng cách nghiên cứu tên lửa mới cũng như cải tiến các tên lửa hành trình và đối không hiện có.
Nâng cấp Tomahawk
Dự thảo ngân sách quốc phòng năm 2017 vừa được Lầu Năm Góc trình lên quốc hội Mỹ xem xét bao gồm một khoản 434 triệu USD nhằm nâng cấp 250 tên lửa hành trình đối đất Tomahawk để chúng có thể “trị” luôn tàu chiến trên biển.
Ảnh: US Navy
|
Theo trang tin của Viện Hải quân Mỹ (USNI), sau khi được cải tiến, tên lửa mới sẽ có tầm bắn được mở rộng vượt trội, lên đến 1.852 km. Trả lời USNI hôm 19.2, Phó đô đốc Joseph Mulloy, hiện là Phó tổng tham mưu các chiến dịch hải quân Mỹ, cho biết Lầu Năm Góc không có ý định chuyển đổi công năng của toàn bộ tên lửa Tomahawk hiện có nhưng một số lượng đáng kể sẽ được nâng cấp để phù hợp với nhu cầu mới. “Đầu tiên, các tàu nổi sẽ được trang bị trước và kế đến là tàu ngầm”, Phó đô đốc Mulloy cho biết.
Theo ước tính của các chuyên gia thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại (CFR) vào năm 2014, Mỹ tiêu tốn 1,6 triệu USD cho mỗi lần khai hỏa tên lửa Tomahawk.
Trước đây, Tập đoàn công nghiệp quốc phòng McDonnell Douglas cũng từng sản xuất phiên bản UGM-109 Tomahawk chuyên chống tàu nhưng đã bị loại bỏ vào năm 1994 vì hệ thống cảm biến của tên lửa quá kém để đảm bảo bắn trúng mục tiêu đang di chuyển. Sau khi McDonnell Douglas sáp nhập vào Boeing năm 1997, phần lớn quyền phát triển Tomahawk được chuyển giao cho Tập đoàn Raytheon.
Tên lửa đối hạm chủ chốt của hải quân Mỹ hiện nay là RGM/UGM-84 Harpoon, xuất xưởng vào thập niên 1970 và cũng do McDonnell Douglas phát triển. Sở hữu hỏa lực mạnh, độ chính xác cao và có thể được phóng từ máy bay, tàu nổi lẫn tàu ngầm nhưng tên lửa Harpoon mắc phải nhược điểm chí mạng là tầm bắn rất ngắn, chỉ dừng ở 130 km.
Do vậy, cải tiến tên lửa Tomahawk theo hướng căng rộng tầm bắn rồi trang bị trên chiến hạm và tàu ngầm là một trong những phương án khả thi nhất để tìm kiếm sự thay thế Harpoon. Các cuộc thử nghiệm đến nay đều cho kết quả khả quan khi tên lửa được dẫn đường bởi máy bay kết hợp với hệ thống radar và cảm biến đều có thể bắn trúng mục tiêu đang di chuyển trên biển.
Bên cạnh đó, theo trang tin Popular Mechanics, Phòng Thí nghiệm quốc gia Los Alamos đang theo đuổi dự án nâng cao năng lực công phá cho Tomahawk bằng cách tận dụng phần nhiên liệu còn thừa sau khi tên lửa trúng mục tiêu. Thông thường, trong thời điểm xảy ra va chạm và đầu đạn tên lửa phát nổ, vẫn còn một lượng nhiên liệu không dùng hết còn sót lại.
Hiện các chuyên gia ở Los Alamos tìm cách chuyển nhiên liệu của Tomahawk thành một loại chất nổ nhiệt áp, sẽ bùng cháy khi tiếp xúc với ô xy. Từ đó, khi tên lửa nổ tung, phần nhiên liệu còn thừa tiếp xúc với không khí sẽ tạo ra thêm một vụ nổ lớn kéo theo cháy dữ dội. Nếu dự án thành công, Tomahawk coi như sẽ có thêm một “đầu đạn thứ hai” với sức phá hoại thậm chí còn lớn hơn đầu đạn thật.
Tờ The Washington Post hôm 19.2 dẫn lời giới chức Lầu Năm Góc tiết lộ hải quân muốn trang bị Tomahawk phiên bản đối hạm cho các tàu tuần dương lớp Ticonderoga, tàu khu trục lớp Arleigh Burke và các tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa dẫn đường lớp Ohio.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Robert Work tuyên bố việc chuyển đổi công năng của tên lửa Tomhawk cho phép đánh đắm các chiến hạm đối địch sẽ “thay đổi hoàn toàn cuộc chơi”.
Tên lửa đối hạm bội siêu thanh
Bên cạnh kế hoạch cải tiến Tomahawk, hải quân Mỹ còn đang tìm cách điều chỉnh tên lửa Standard Missile 6 (SM-6), một sản phẩm khác của Raytheon, sang mục tiêu chống tàu. SM-6 (còn được biết đến với cái tên RIM-174) được biên chế vào năm 2013 với chức năng tên lửa phòng không.
Trong cuộc họp báo vào ngày 10.2 tại San Diego, bang California, Bộ trưởng Quốc phòng Ashton Carter tiết lộ: “Chúng tôi đang điều chỉnh lại SM-6 để bổ sung năng lực đối hạm ở tầm xa cho tên lửa này bên cạnh chức năng phòng không”.
Theo số liệu chính thức, SM-6 có tầm bắn 240 km nhưng ông Carter hứa hẹn phiên bản cải tiến có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 320 km. Với tốc độ tối đa lên đến Mach 3,5 (gấp 3,5 lần tốc độ âm thanh), SM-6 được đánh giá sẽ mang lại năng lực diệt tàu hoàn toàn mới cho hải quân Mỹ.
Tuy nhiên, hiện có một số ý kiến hoài nghi về chương trình cải tiến tên lửa của Lầu Năm Góc liên quan tới đầu đạn. Đầu đạn của Tomahawk nặng 450 kg, hơn gấp đôi đầu đạn của Harpoon (221 kg).
SM-6 cũng là một ẩn số khi Popular Mechanics dẫn lời Giám đốc chương trình cải tiến Michael Campisi của Raytheon tuyên bố chưa có kế hoạch lắp đầu đạn mới cho phiên bản mới. “SM-6 là tên lửa đa nhiệm. Một cấu hình đảm đương mọi sứ mệnh”, ông Campisi khẳng định.
Dù vậy, vẫn chưa rõ Raytheon và hải quân Mỹ có thể sẽ làm cách nào để tận dụng đầu đạn được thiết kế đánh chặn tên lửa và máy bay sang mục tiêu tấn công tàu nổi. Ngoài ra, các cuộc thử nghiệm cho thấy SM-6 cần được dẫn đường bằng máy bay mà bản thân các máy bay này dễ bị đối phương bắn hạ bằng tên lửa các loại.
Tên lửa LRASM
Ngoài kế hoạch cải tiến nói trên, Lầu Năm Góc còn đang mong đợi chương trình tên lửa đối hạm tàng hình tầm xa (LRASM) do Cơ quan Các dự án quốc phòng hiện đại (DARPA) giao cho nhà thầu Lockheed Martin phát triển. Theo thiết kế ban đầu, LRASM có tầm bắn 930 km, mang đầu đạn 450 kg và có thể được phóng từ tàu lẫn máy bay. Không quân Mỹ sẽ nhận tên lửa này vào năm 2018 để trang bị cho chiến đấu cơ F/A-18E/F Super Hornet F-18, F-35 và máy bay cường kích B-1 Lancer trong khi hải quân sẽ bắt đầu sử dụng một năm sau đó.
|
Bình luận (0)