Mỹ dựng liên minh đối phó Iran sau vụ tấn công tàu

Bảo Vinh
Bảo Vinh
16/06/2019 07:00 GMT+7

Mỹ tiếp tục cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công 2 tàu chở dầu ở vịnh Oman đồng thời tìm kiếm sự ủng hộ của các đồng minh để gây sức ép lên nước Cộng hòa Hồi giáo.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm qua cáo buộc Iran chính là thủ phạm tấn công 2 tàu chở dầu ở vịnh Oman hồi giữa tuần. “Họ đã làm điều đó”, nhà lãnh đạo tuyên bố trên Đài Fox News. Vụ tấn công nhằm vào tàu Front Altair (Na Uy) và tàu Kokuka Courageous (Nhật Bản) khi 2 tàu chở dầu từ vùng Vịnh đi qua eo biển Hormuz để đến Đông Á. Thủy thủ tàu Nhật Bản được cho là đã nhìn thấy “các vật thể bay” đâm vào tàu gây nổ, làm thủng một lỗ trên thân tàu. Phía Mỹ và Iran sau đó điều tàu đến sơ tán thủy thủ trên 2 tàu dầu nhưng đưa ra những tuyên bố khác nhau về vụ việc.
Căn cứ vào đoạn phim do hải quân Mỹ công bố, Tổng thống Trump nói: “Tôi đoán là một trong những quả thủy lôi không phát nổ và chữ Iran có lẽ được viết đầy trên đó. Bạn thấy tàu Iran tìm cách gỡ quả thủy lôi ra và điều đó đã bị phơi bày”. Tổng thống Trump không nêu rõ bước phản ứng tiếp theo của Mỹ là gì nhưng nhấn mạnh Washington sẽ không xem nhẹ vấn đề này.
[VIDEO] Mỹ tập trung xây dựng đồng thuận chống Iran
Quân đội Mỹ trước đó cáo buộc binh sĩ Iran đã tiếp cận mạn phải tàu Nhật và tháo quả thủy lôi chưa phát nổ nhằm xóa chứng cứ. CNN hôm qua dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên nói thêm là trước vụ nổ vài giờ, một máy bay không người lái (UAV)MQ-9 của Mỹ đã phát hiện tàu chiến Iran tiếp cận 2 tàu dầu. Khi nhận ra đang bị theo dõi, tàu Iran phóng tên lửa nhắm vào UAV Mỹ nhưng trật mục tiêu. Quan chức này còn tố cáo tàu cao tốc quân sự Iran ngăn cản 2 tàu lai dắt đến hỗ trợ chiếc Front Altair.
Hiện Lầu Năm Góc chưa xác nhận thông tin này nhưng người phát ngôn Pat Adamson của Công ty Frontline, chủ sở hữu tàu Front Altair, khẳng định không có thông tin nào về hành động cản trở quanh tàu dầu Na Uy từ sau vụ tấn công, theo Reuters.
Cùng ngày, quyền Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Patrick Shanahan nhấn mạnh sẽ chuẩn bị các kế hoạch dự phòng cho trường hợp tình hình xấu đi nhưng đồng thời cũng tập trung “xây dựng sự đồng thuận quốc tế” để lên án Iran. Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt lên tiếng ủng hộ cáo buộc của Mỹ trong khi một số nước vùng Vịnh còn tỏ ra dè dặt. Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê Út Khalid al-Falih kêu gọi cần có phản ứng nhanh chóng và quyết đoán “sau một số hành động khủng bố gần đây ở biển Ả Rập và vịnh Ba Tư” trong khi Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed Al Nahyan kết luận các vụ tấn công tàu dầu hồi tháng 5 là do “một chính phủ đứng sau” nhưng chưa đủ bằng chứng để chỉ rõ là nước nào.
Về phần mình, Iran hôm qua tiếp tục khẳng định những lời buộc tội của Mỹ không có chút xác thực hay chứng cứ nào trong khi Bộ Ngoại giao Nga chỉ trích Washington leo thang căng thẳng tại Trung Đông. Moscow nhấn mạnh lên án vụ tấn công nhưng kêu gọi các bên kiềm chế, tránh quy trách nhiệm cho đến khi một cuộc điều tra quốc tế toàn diện và công bằng được hoàn tất.
Rộ tin Anh triển khai đặc nhiệm đến vùng Vịnh
Tờ Daily Star hôm qua dẫn nguồn giấu tên loan tin quân đội Anh đã triển khai 120 lính thủy đánh bộ đến vùng Vịnh để bảo vệ tàu thuyền nước này sau vụ tấn công ở vịnh Oman. Theo nguồn tin, lực lượng này được trang bị súng ngắm và súng máy, sẵn sàng “kết liễu đối phương” nếu phát hiện tàu cao tốc quân sự Iran tiếp cận nhưng nhấn mạnh chỉ dùng vũ lực như giải pháp cuối cùng. Quân đội Anh chưa có bình luận gì về thông tin trên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.