Báo Nikkei Asia ngày 19.7 cho biết họ đã tiếp cận được toàn văn thỏa thuận mà Mỹ và PNG đã ký kết hồi tháng 5 nhưng vẫn chưa công bố chi tiết. Chính phủ hai nước dự định sẽ chính thức công bố nội dung thỏa thuận sau khi nó được quốc hội PNG phê chuẩn, theo tờ báo.
Nikkei Asia cho biết thỏa thuận nêu rằng mục tiêu của nó là "tăng cường hơn nữa mối quan hệ quốc phòng [giữa hai nước] và giải quyết các thách thức an ninh chung". Thỏa thuận có hiệu lực trong vòng 15 năm và sẽ được gia hạn nếu không có sự phản đối từ bất cứ bên nào.
Theo thỏa thuận, quân đội Mỹ sẽ được phép sử dụng căn cứ hải quân Lombrum và sân bay Momote ở phía bắc PNG, cũng như các cảng và sân bay ở thủ đô Port Moresby và thành phố Lae ở trung tâm nước này.
Đảo Manus, nơi đặt căn cứ hải quân Lombrum, có vị trí chiến lược ở Thái Bình Dương và từng là nơi chứng kiến các trận đánh ác liệt giữa Mỹ và Nhật Bản trong Thế chiến 2. Chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump năm 2018 tuyên bố Washington sẽ tham gia mở rộng căn cứ. Hợp tác với Úc, Mỹ đã nghiên cứu cách thức sử dụng căn cứ này trong trung và dài hạn.
Thỏa thuận nói trên nêu rằng căn cứ Lombrum sẽ được sử dụng cho "các tình huống khẩn cấp trong tương lai", ngoài các nỗ lực ứng phó thiên tai và viện trợ nhân đạo. Theo Nikkei Asia, Mỹ có khả năng sẽ sử dụng PNG làm căn cứ hoạt động trong trường hợp xảy ra đối đầu với Trung Quốc ở eo biển Đài Loan và Biển Đông.
Theo nội dung thỏa thuận, quân đội Mỹ sẽ xem xét việc bố trí nguồn cung cấp, thiết bị và vật liệu tại các cơ sở, ngoài việc cung cấp nhiên liệu cho máy bay và tàu tại 6 địa điểm. Thỏa thuận cũng nói về việc huấn luyện chung với PNG. Hai chính phủ sẽ thảo luận chi tiết về hoạt động quân sự của Mỹ tại các cơ sở và điều kiện sử dụng chúng.
Bộ Quốc phòng Mỹ hôm 18.7 thông báo Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ thăm PNG và Úc trong tháng này. Đề cập thỏa thuận nói trên, Lầu Năm Góc cho biết ông Austin sẽ "thảo luận về các bước tiếp theo" nhằm đưa thỏa thuận này vào thực thi.
Một số người ở PNG lo ngại về vấn đề chủ quyền của đảo quốc Thái Bình Dương này trong hợp tác quốc phòng với Mỹ. Chuyến thăm của ông Austin cũng nhằm xoa dịu những lo ngại này bằng cách thể hiện sự cân nhắc đối với quan điểm của chính phủ PNG. Quá trình phê chuẩn thỏa thuận ở quốc hội PNG dự kiến sẽ được tiến hành vào tháng 8. Đảng của Thủ tướng PNG James Marape tin rằng họ có đủ sự ủng hộ trong quốc hội để thỏa thuận được phê chuẩn.
Trong khi đó, Trung Quốc đang siết chặt quan hệ với Quần đảo Solomon gần đó. Đầu tháng 7, Thủ tướng Manasseh Sogavare của Solomon đã đến Bắc Kinh gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Đảo quốc Thái Bình Dương cũng đã mở đại sứ quán tại Bắc Kinh và ký thỏa thuận hợp tác về cảnh sát với Trung Quốc.
Trung Quốc và Quần đảo Solomon đã một thỏa thuận an ninh vào tháng 4.2022. Mặc dù nội dung không được tiết lộ, Mỹ và các đồng minh khu vực như Úc ngày càng lo ngại rằng quân đội Trung Quốc có thể sử dụng Solomon làm căn cứ tác chiến trong trung và dài hạn ở Nam Thái Bình Dương.
Sau chuyến thăm PNG, ông Austin sẽ tới Úc cùng với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken để tham dự hội nghị 2+2 giữa các quan chức ngoại giao và quốc phòng hàng đầu hai nước.
Bình luận (0)