Mỹ, EU đồng ý áp thêm cấm vận lên Nga

21/04/2022 06:29 GMT+7

Ngày 19.4, chính phủ Ý thông báo Mỹ và EU đã đạt “đồng thuận sâu rộng về nhu cầu tăng sức ép đối với Điện Kremlin” bằng cách áp thêm nhiều lệnh cấm vận.

Theo thông báo sau cuộc họp trực tuyến giữa Mỹ và nguyên thủ các quốc gia châu Âu về giai đoạn mới nhất của chiến dịch quân sự Nga tại Ukraine, Mỹ và EU cũng đồng ý về việc cần thiết phải “tăng cường sự cô lập quốc tế đối với Moscow”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen xác nhận trên Twitter cá nhân: “Chúng tôi sẽ một lần nữa gia tăng các biện pháp cấm vận Nga”.

Hiện chưa rõ các biện pháp mới bao gồm những gì. Tuy nhiên, ngành năng lượng Nga có nguy cơ cao nhất.

Theo thông cáo báo chí của Ý, các lãnh đạo Mỹ và châu Âu tái xác nhận “cam kết chung nhằm đa dạng hóa các nguồn năng lượng bằng cách giảm thiểu sự phụ thuộc vào Nga”.

Vì sao châu Âu chưa sốt sắng cấm vận năng lượng Nga?

Nga đã bị phần lớn các doanh nghiệp phương Tây bỏ rơi, trong đó có nhiều nền tảng công nghệ và các công ty thực phẩm. Tuy vậy, Nga vẫn có thể bán dầu khí và khí đốt cho châu Âu vì nhiều quốc gia thuộc khối này không thể tìm được nguồn cung thay thế. 40% nguồn năng lượng châu Âu phụ thuộc vào Nga.

Mỹ, vốn đã độc lập năng lượng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, vẫn thúc giục EU cấm vận năng lượng Nga và hứa hẹn sẽ bù đắp thiếu hụt bằng khí đốt tự nhiên hóa lỏng của Mỹ. Tuy nhiên, giá nhiên liệu Mỹ đắt hơn, trong khi các quốc gia châu Âu phần lớn thiếu cơ sở hạ tầng để lưu trữ năng lượng số lượng lớn.

Cùng ngày 19.4, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire tiết lộ ông hy vọng có thể “thuyết phục” các nước láng giềng vẫn còn chần chừ về sự cần thiết của lệnh cấm vận hoàn toàn nhập khẩu dầu khí từ Nga. Tuy nhiên, ông Le Maire nói có thể phải mất nhiều tuần mới đạt được đồng thuận về vấn đề này. Đức đã phản đối ý tưởng trên vì nguy cơ gây suy thoái nghiêm trọng ở nước này.

Tuy vậy, EU vẫn lạc quan về khả năng ngừng phụ thuộc vào nguồn khí đốt Nga và tuyên bố sẽ có thể cắt giảm 2/3 lượng nhập khẩu vào cuối năm 2022. Nhiên liệu thay thế cho EU sẽ được bơm từ Na Uy và Azerbaijan, nhập khẩu từ Mỹ và tự sản xuất trong nước thông qua các dự án năng lượng xanh. EU hiện tốn khoảng 850 triệu USD mỗi ngày để mua dầu và khí đốt từ Nga dù đã cấm vận hầu hết các ngành công nghiệp khác của Moscow.

Nga chưa dừng bơm khí đốt cho châu Âu; trực thăng Ukraine tấn công đất Nga
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.