Mỹ giải quyết nguy cơ khủng hoảng ngân hàng

14/03/2023 06:32 GMT+7

Cuộc khủng hoảng ngân hàng tại Mỹ đã khiến chính phủ của Tổng thống Joe Biden phải đưa ra các biện pháp khẩn cấp để khôi phục niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính.

Ảnh hưởng đến ngân hàng thứ hai

Reuters đưa tin cơ quan quản lý ở bang New York (Mỹ) vào ngày 12.3 đã ra lệnh đóng cửa Ngân hàng Signature (SB), đồng thời chỉ định Tập đoàn Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) - cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ - là bên tiếp nhận để xử lý tài sản của SB. Theo SB, ngân hàng có 110 tỉ USD tài sản và 88,6 tỉ USD tiền gửi tính đến ngày 31.12.2022.

SB là ngân hàng thương mại có văn phòng cho khách hàng tư nhân ở các bang New York, Connecticut, California, Nevada và Bắc Carolina với 9 ngành kinh doanh bao gồm bất động sản thương mại và ngân hàng số. Tính đến tháng 9.2022, gần 1/4 số tiền gửi của SB đến từ lĩnh vực tiền điện tử. Tuy nhiên, đến tháng 12.2022, SB đã thông báo sẽ cắt giảm 8 tỉ USD tiền gửi liên quan đến tiền điện tử.

Mỹ giải quyết nguy cơ khủng hoảng ngân hàng - Ảnh 1.

Một nhân viên đến trụ sở của Ngân hàng Signature ở New York ngày 12.3

Reuters

Đây là vụ phá sản lớn thứ ba trong lịch sử ngành ngân hàng Mỹ và là vụ sụp đổ lớn thứ hai kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Trước đó 2 ngày, Ngân hàng Silicon Valley (SVB) ở bang California cũng phá sản ngày 10.3 sau khi nỗ lực huy động vốn thất bại và khách hàng ồ ạt rút tiền.

SVB, ngân hàng số một cho nhiều start-up Mỹ, đã phá sản trong 48 giờ ra sao?

Theo The New York Times, ở một mức độ nào đó, SB cũng là nạn nhân của sự hoảng loạn sau vụ sụp đổ SVB. Khi thông tin về những rắc rối SVB gặp phải bắt đầu lan truyền vào tuần trước, các khách hàng của SB cũng trở nên hoang mang không biết khoản tiền gửi của họ có an toàn hay không và bắt đầu rút tiền hàng loạt. Các nhà quản lý nói rằng việc tiếp tục để SB mở cửa có thể đe dọa sự ổn định của toàn bộ hệ thống tài chính. Vì vậy, họ đã phải đóng cửa SB.

Chính phủ Mỹ can thiệp

Trước tình hình này, chính phủ Mỹ đã phải đưa ra các biện pháp khẩn cấp để khôi phục niềm tin vào hệ thống ngân hàng Mỹ. Trong một tuyên bố chung vào ngày 12.3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (FED) Jerome Powell và Chủ tịch FDIC Martin J. Gruenberg cho biết FDIC sẽ bảo đảm cho toàn bộ các khoản tiền gửi tại SVB và SB. Theo đó, khách hàng gửi tiền tại SVB và SB, bao gồm cả những khoản tiền không được bảo hiểm theo quy định của FDIC do vượt quá 250.000 USD, sẽ có quyền tiếp cận các khoản tiền gửi của mình từ ngày 13.3.

Đây là nỗ lực nhằm ngăn tiền bị rút ra khỏi các ngân hàng thêm nữa, đồng thời giúp các công ty gửi số tiền lớn tại SVB tiếp tục trả lương nhân viên và hoạt động bình thường.

Tuy nhiên, các biện pháp này được đưa ra để bảo vệ người gửi tiền, bình ổn hệ thống tài chính chứ không nhằm giải cứu ngân hàng nào. Điều này nghĩa là cổ đông và trái chủ của SVB vẫn sẽ chịu thiệt hại. Chính phủ Mỹ cũng khẳng định người dân sẽ không phải chịu trách nhiệm với các thiệt hại liên quan đến SVB.

Trong một diễn biến khác, FED ngày 12.3 thông báo sẽ lập một chương trình cho các ngân hàng vay khẩn cấp với điều khoản nới lỏng hơn bình thường. Theo đó, chương trình sẽ giúp các ngân hàng vay tiền mặt từ FED để trả cho khách hàng thay vì phải bán trái phiếu kho bạc hay các chứng khoán khác để huy động tiền. Các ngân hàng có thể gửi những chứng khoán đó làm tài sản thế chấp để đi vay.

Bộ Tài chính Mỹ cũng dành ra 25 tỉ USD để bù đắp bất kỳ tổn thất nào phát sinh từ chương trình của FED. Tuy vậy, FED không kỳ vọng dùng đến số tiền này.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 12.3 khẳng định người dân Mỹ và các doanh nghiệp có thể tiếp cận khoản tiền gửi của mình ngay khi cần, đồng thời cam kết sẽ buộc những người có trách nhiệm phải giải trình. Ông Biden cũng cam kết tiếp tục nỗ lực tăng cường giám sát cũng như điều chỉnh các ngân hàng lớn hơn để tránh rơi vào tình trạng này một lần nữa 

Thị trường khởi sắc

Sau khi chính phủ Mỹ có các biện pháp để ổn định hệ thống ngân hàng, các chỉ số tương lai của chứng khoán Mỹ đã tăng điểm trong phiên giao dịch sáng 12.3. Theo Reuters, chỉ số S&P 500 của Mỹ tăng 1,6%, trong khi chỉ số hợp đồng tương lai Nasdaq tăng 1,7%. Chỉ số hợp đồng tương lai EUROSTOXX 50 tăng 0,3% và chỉ số hợp đồng tương lai FTSE (Anh) cũng tăng 0,1%. Trong khi đó, giá đồng đô la trượt dốc sau khi Goldman Sachs dự báo FED không nâng lãi trong cuộc họp tuần tới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.