Hội nghị dự kiến kéo dài 5 ngày này là một trong những hoạt động nằm trong Dự án triển vọng thực thi pháp luật trên biển Vịnh Thái Lan. Dự án được xây dựng dựa trên khả năng từng nước, hỗ trợ song phương và các tổ chức lớn hơn trong khu vực nhằm giúp lực lượng thực thi pháp luật các nước Thái Lan, Campuchia, Việt Nam và Malaysia xích lại gần nhau thông qua hàng loạt hội thảo cấp chỉ huy tầm chiến thuật, chiến dịch.
Qua đó thiết lập các mục tiêu, cơ chế hợp tác chung, phương thức hoạt động, ý thức hàng hải khu vực tạo tiền đề cho triển vọng và hợp tác tiểu vùng vì an ninh hàng hải.
Đại diện lực lượng thực thi pháp luật trên biển các quốc gia khu vực
Vịnh Thái Lan tại Hội nghị - Ảnh: Trường Sơn
Theo đại tá Ngô Ngọc Thu, Phó cục trưởng Cục Cảnh sát biển, việc tăng cường hợp tác giữa các quốc gia về đảm bảo an ninh, an toàn trên biển, phục vụ phát triển kinh tế bền vững, giữ vững hòa bình, ổn định trong khu vực là hết sức cần thiết, nhất là đối với cơ quan thực thi pháp luật trên biển. Việc hợp tác sẽ giúp tăng cường xây dựng lòng tin, sự hiểu biết lẫn nhau, hợp tác thiết thực, hiệu quả... giúp cho việc ngăn chặn và đối phó hiệu quả với các thách thức đang được đặt ra.
Phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam David B.Shear khẳng định Mỹ cùng với các đối tác là Nhật Bản và Úc sẵn sàng cung cấp hỗ trợ về chuyên môn cho các hoạt động này nhằm tăng cường quan hệ đối tác với ASEAN.
COC sẽ là nền tảng cho hòa bình ổn định ở Biển Đông Đây là quan điểm được Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam David B.Shear chia sẻ với báo chí bên lề Hội nghị về hợp tác thực thi pháp luật trên biển các nước vùng Vịnh Thái Lan diễn ra sáng nay 5.11 tại Hà Nội.
* Ông đánh giá như thế nào về sự hợp tác của lực lượng thực thi pháp luật tại Vịnh Thái Lan đóng góp cho duy trì môi trường hòa bình ổn định trong khu vực? - Vịnh Thái Lan là một tuyến đường biển quan trọng kết nối giữa nhiều quốc gia trong khu vực Đông Nam Á. Vấn đề Vịnh Thái Lan đã đưa Việt Nam, Thái Lan, Campuchia và Malaysia đến việc tăng cường hợp tác thực thi pháp luật trên biển trên tuyến đường hàng hải quan trọng này. Vấn đề thực thi pháp luật trên biển rất quan trọng trong việc giúp cho khu vực này duy trì sự hoà bình ổn định và thịnh vượng. * Việc ký kết Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc được nhiều nước trong và ngoài khu vực ASEAN rất quan tâm. Tuy nhiên có nhiều khả năng COC sẽ chưa được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN sắp tới. Quan điểm của Hoa Kỳ về vấn đề này như thế nào? - Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc ký kết COC tại Biển Đông và Mỹ ủng hộ những nỗ lực tiến đến việc ký kết COC càng sớm càng tốt. Mỹ mong muốn một khu vực biển Đông hòa bình. Chúng tôi không đứng về bên nào trong các tranh chấp nhưng chúng tôi khẳng định biển Đông đóng một vai trò quan trọng trong sự ổn định, hòa bình và thịnh vượng của khu vực và COC sẽ là nền tảng cho điều đó. * Ông đánh giá thế nào về nỗ lực của các nước ASEAN trong việc thúc đẩy cho sự ra đời của COC? - Như đã nói chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc ký kết COC tại biển Đông. Mỹ tin rằng COC sẽ thúc đẩy sự ổn định của khu vực. Và chúng tôi ủng hộ việc ký kết Bộ quy tắc ứng xử này. * Theo ông, kết quả cuộc bầu cử tổng thống của Mỹ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến chính sách của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương? - (Cười) Cuộc bầu cử đã đến rất gần rồi và tôi không muốn đưa ra dự đoán ai sẽ là người chiến thắng. Nhưng tất nhiên Đông Nam Á là khu vực cực kỳ quan trọng đối với Mỹ cả về mặt kinh tế và chiến lược. Tôi trông đợi rằng cho dù ai là người thắng cử thì Mỹ vẫn sẽ tiếp tục mối quan tâm mạnh mẽ đến hòa bình, thịnh vượng của khu vực này. * Xin cảm ơn ông! Tr.Sơn (ghi) |
Trường Sơn
Bình luận (0)