Mỹ gửi bom chùm giúp Ukraine 'câu giờ', liệu có thành công?

Khánh Như
Khánh Như
15/07/2023 14:29 GMT+7

Tờ The New York Times ngày 15.7 dẫn lời các quan chức và nhà phân tích quân sự cảnh báo đạn chùm do Mỹ sản xuất có thể sẽ không giúp Ukraine ngay lập tức trong cuộc phản công trước Nga.

Nhận định được đưa ra trong bối cảnh Ukraine vừa được Mỹ gửi đạn chùm, loại vũ khí bị hàng trăm quốc gia cấm.

Công cụ câu giờ?

Ông Jack Watling, thành viên Viện Các quân chủng thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI) dự đoán quy mô ảnh hưởng của đạn chùm trong xung đột ở Ukraine sẽ rất khiêm tốn. "Nó sẽ làm cho pháo binh Ukraine trở nên nguy hiểm hơn một chút. Tác động thực sự sẽ được cảm nhận vào cuối năm khi Ukraine có nhiều đạn dược hơn", theo ông Watling.

Mỹ gửi bom chùm giúp Ukraine 'câu giờ', liệu có thành công? - Ảnh 1.

Đạn chùm được tìm thấy ở tỉnh Kharkiv, Ukraine vào tháng 10.2022

REUTERS

Trong khi đó, Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Colin Kahl tuần trước đã thừa nhận rằng "không có năng lực nào là viên đạn bạc", nhưng cho biết bom, đạn chùm sẽ cho phép Ukraine đảm bảo đủ thời gian để đưa xung đột quay về hình thức cạnh tranh pháo binh trong tương lai gần.

"Chúng tôi mới có đạn chùm, chúng tôi chưa sử dụng, nhưng nó có thể thay đổi hoàn toàn [chiến trường]", Tướng Oleksandr Tarnavsky, chỉ huy quân đội Ukraine ở miền nam, trả lời phỏng vấn đài CNN ngày 13.5.

Xem nhanh: Ngày 505 chiến dịch, Ukraine đã có đạn chùm Mỹ; sếp CIA bàn chuyện gì với Nga?

Tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định gửi đạn chùm cho Ukraine, bởi theo ông, Ukraine đang đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng. Ông nói rằng đó là một động thái tạm thời nhằm để hỗ trợ Ukraine, cho đến khi việc sản xuất các loại đạn pháo thông thường có thể được đẩy mạnh.

Theo phía Mỹ, quyết định này giúp quân đội Ukraine có thêm thời gian để thăm dò các điểm yếu của hệ thống phòng thủ của Nga dọc theo 3 hướng tấn công chính và sau đó chọc thủng các bãi mìn dày đặc, bẫy xe tăng và các rào cản khác.

Trước đó, ông Biden đã mất nhiều tháng cân nhắc liệu có nên gửi đạn chùm cho Ukraine hay không. Nhiều đồng minh thân cận nhất của Mỹ đã cấm loại vũ khí này, bởi những quả đạn nhỏ được rải khắp chiến trường vẫn có thể gây thương tích nặng nề thậm chí hàng chục năm sau khi cuộc chiến kết thúc.

Để xoa dịu lo ngại từ quốc tế, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm 13.7 nói rằng Ukraine đã cam kết "bằng văn bản" rằng đạn chùm sẽ chỉ được sử dụng ở "những nơi thích hợp", xa các khu vực đông dân cư.

Ukraine thừa nhận phản công tiến triển chậm

Chiến trường không thay đổi nhiều

Nói về ảnh hưởng tức thời từ việc Ukraine nhận đạn chùm từ Mỹ, The New York Times dẫn lời ông Rob Lee, chuyên gia về quân sự Nga tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ) và là cựu sĩ quan Thủy quân lục chiến Mỹ, nhận định: "Tôi không nghĩ sẽ có nhiều tác động ngay lập tức như vậy". Theo ông Lee, Ukraine sẽ chỉ sử dụng bom chùm các khu vực xa nơi đóng quân của nước này để tránh tổn thất lực lượng.

Mỹ gửi bom chùm giúp Ukraine 'câu giờ', liệu có thành công? - Ảnh 2.

Binh sĩ Ukraine bắn lựu pháo D-30 ở TP.Soledar, tỉnh Donetsk ngày 6.5

REUTERS

Phía Ukraine cũng thừa nhận cuộc phản công đã chậm lại. Trả lời CNN, tướng Tarnavsky đã đề cập rất nhiều vấn đề được báo cáo tại các cuộc họp với ban tham mưu và từ lời quân đội trên khắp chiến tuyến. Vị tướng nói rằng Ukraine đang thực hiện "các cuộc tấn công quy mô lớn", đồng thời thừa nhận rằng quân đội Ukraine đã đạt được những thành tựu khiêm tốn, đặc biệt là ở phía nam.

"Nó thành công, nhưng không nhiều như mỗi chúng ta mong muốn", tướng Tarnavsky nói. Theo ông, lời giải thích đơn giản cho việc phản công chậm trễ của Ukraine là việc "Nga đã chuẩn bị khá kỹ lưỡng cho sự kiện này".

Sự chuẩn bị của Nga tập trung vào việc thiết lập các bãi mìn khổng lồ, khiến việc di chuyển của Ukraine trở nên khó khăn, cũng như phá hủy các thiết bị rà phá bom mìn của Kyiv. Theo lời tướng Tarnavsky, hệ thống bom mìn của Moscow rất "dày đặc" và "phức tạp".

Ukraine đã nhận đạn chùm từ Mỹ, hy vọng tăng sức mạnh phản công

Trong khi đó, các quan chức quốc phòng cấp cao khác của Mỹ lại cho rằng "còn quá sớm" để đánh giá cuộc phản công và cách người Ukraine sẽ triển khai cuộc chiến, theo The New York Times.

Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ Kahl cho biết: "[Phản công] chậm hơn chúng tôi mong đợi, nhưng Ukraine còn rất nhiều sức mạnh chiến đấu". Ông đồng thời lưu ý rằng phần lớn trong số 9 lữ đoàn tinh nhuệ của Ukraine do phương Tây đào tạo vẫn chưa được tung ra chiến trường.

Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tháng trước nói rằng nỗ lực tái kiểm soát lãnh thổ của Ukraine không tiến triển nhanh như nhiều chuyên gia đã dự đoán không làm ông ngạc nhiên. Theo ông, Ukraine đang "tiến lên đều đặn, cố tình vượt qua các bãi mìn rất dày" mỗi ngày. Tướng Milley nói: "Tiến chậm là rất có chủ ý. Điều đó đang xảy ra". 

Tướng Milley nói: "Sẽ rất dài, và sẽ rất, rất đẫm máu, và không ai nên ảo tưởng về bất kỳ điều gì trong số đó [...] Vâng, chắc chắn, nó diễn ra hơi chậm, nhưng đó là một phần bản chất của cuộc chiến".

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.