Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản ngày 7.1 nhất trí phối hợp hành động nhằm buộc CHDCND Triều Tiên “trả giá” cho vụ thử hạt nhân mới nhất của nước này.
Mỹ đang cân nhắc triển khai B-52 đến bán đảo Triều Tiên - Ảnh: Reuters |
Các cuộc điện đàm riêng rẽ giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama với người đồng cấp Hàn Quốc Park Geun-hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe diễn ra một ngày sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố thử thành công bom nhiệt hạch. Theo AFP, trong cuộc trao đổi giữa chủ nhân Nhà Trắng và Tổng thống Park, hai bên nhất trí vụ thử hạt nhân của Triều Tiên “xứng đáng gánh chịu những biện pháp trừng phạt toàn diện và mạnh mẽ nhất”.
Tổng thống Obama cũng bày tỏ đồng tình với Thủ tướng Abe rằng Mỹ và Nhật Bản cần phải đi đầu trong nỗ lực áp đặt những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn đối với Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân mới nhất. Trong cuộc điện đàm, chủ nhân Nhà Trắng khẳng định Mỹ sẽ thực hiện những bước đi nhằm đảm bảo an ninh cho Nhật và các đồng minh của Washington trong khu vực, theo Kyodo News.
Về phần mình, Thủ tướng Abe cũng hé lộ khả năng Tokyo có hành động đơn phương nhằm vào Triều Tiên. “Chúng tôi sẽ thực hiện các bước đi nghiêm khắc và kiên quyết, bao gồm những biện pháp riêng của nước chúng tôi”, AFP dẫn lời ông Abe tuyên bố. Trong cuộc điện đàm giữa bà Park và ông Abe, hai nhà lãnh đạo này cũng nhất trí hợp tác để thông qua nhanh chóng các biện pháp trừng phạt Triều Tiên.
Các cuộc tham vấn diễn ra sau khi Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc lên án mạnh mẽ vụ thử hạt nhân của Triều Tiên và cho biết sẽ bắt đầu biên soạn một dự thảo nghị quyết mới của Liên Hiệp Quốc với “những biện pháp đáng kể hơn”. Các nhà ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc hôm 7.1 xác nhận việc thương thảo đang được tiến hành nhằm tăng cường nhiều đợt trừng phạt đã được áp đặt lên Triều Tiên kể từ vụ thử hạt nhân đầu tiên của nước này hồi năm 2006. Mọi con mắt đang đổ dồn vào Trung Quốc, đồng minh then chốt của Triều Tiên, để xem nước này sẽ đi xa đến đâu trong việc trừng phạt Bình Nhưỡng.
Trong khi đó, Yonhap hôm qua dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết nước này và Mỹ đang thảo luận những cách thức triển khai các khí tài “chiến lược” của Mỹ đến bán đảo Triều Tiên. Các khí tài chính có thể được triển khai bao gồm một tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, tiêm kích cơ tàng hình F-22 và oanh tạc cơ B-52 mà Washington từng đưa đến bán đảo Triều Tiên nhằm biểu dương lực lượng trong những lần Bình Nhưỡng có động thái khiêu khích quân sự.
Cũng trong ngày 7.1, Seoul tuyên bố sẽ nối lại hoạt động tuyên truyền bằng loa phóng thanh dọc khu giới tuyến phi quân sự với miền bắc từ trưa 8.1. Việc Hàn Quốc tái triển khai hoạt động này hồi năm 2015 trong một cuộc khủng hoảng tại biên giới đã đẩy hai nước đến bờ vực chiến tranh.
Việt Nam quan ngại sâu sắc
Ngày 7.1, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước vụ thử bom nhiệt hạch của Triều Tiên, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ủng hộ việc cấm thử hạt nhân toàn diện, không phổ biến hạt nhân và tiến tới giải trừ loại vũ khí này.
“Việt Nam quan ngại sâu sắc trước việc CHDCND Triều Tiên tiến hành thử bom nhiệt hạch ngày 6.1.2016, vi phạm các nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc, làm gia tăng căng thẳng, đe dọa hòa bình, ổn định ở khu vực”, ông Lê Hải Bình khẳng định.
Theo TTXVN
|
Bình luận (0)