Mỹ hợp tác với các trường ĐH Việt Nam phòng chống Covid-19

18/02/2022 19:26 GMT+7

Ngày 18.2, Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) cùng Bệnh viện Trường ĐH Y Hà Nội và ĐH Y Dược TP. HCM thảo luận về tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực cho đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu.

Các đại biểu trao đổi tại hội thảo

Dự án USAID EpiC

Tại khách sạn Liberty Central Saigon, bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID tại Việt Nam đã cùng với PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội và PGS-TS Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo nhân lực y tế theo nhu cầu xã hội Trường Đại học Y Dược TP.HCM thảo luận về mối quan hệ đối tác và sự hỗ trợ của USAID đối với đội ngũ cán bộ y tế tuyến đầu.

USAID thông qua Dự án Hoàn thành mục tiêu và duy trì kiểm soát dịch bệnh (EpiC) để hỗ trợ ứng phó với dịch Covid-19. Nỗ lực này bao gồm đào tạo đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu về chăm sóc lâm sàng cho bệnh nhân Covid-19, phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn và chăm sóc các vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Dự án được triển khai theo gói hỗ trợ trị giá 5,5 triệu USD của USAID, tập trung vào đào tạo và cung cấp trang thiết bị lâm sàng tại các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, TP.HCM, Long An, Tây Ninh và các điểm nóng Covid-19 mới nổi.

“Các đối tác bệnh viện và trường đại học của chúng tôi tăng cường hợp tác nhằm cải thiện công tác phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn, chăm sóc sức khỏe lâm sàng và sức khỏe tinh thần của đội ngũ nhân viên y tế tuyến đầu. Đây là nhu cầu cấp bách và tôi ngạc nhiên vì các bạn có thể thiết kế và triển khai nhanh các khóa đào tạo và chuyên hỗ trợ kỹ thuật trực tuyến và trực tiếp”, bà Yastishock nói.

Về phía Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội, ông Hiếu cho biết: “Sự hỗ trợ của USAID giúp chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm quản lý điều trị bệnh nhân Covid-19 thành công với các đối tác Việt Nam. Bệnh viện cũng đang tổ chức một số khóa đào tạo về quản lý ca Covid-19".

Ngoài việc đào tạo, huấn luyện, còn có các chương trình hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp tại các bệnh viện có số ca Covid-19 cao, hỗ trợ tư vấn từ xa qua số điện thoại đường dây nóng và nhóm Zalo. “Những hoạt động này sẽ tăng cường khả năng của hệ thống y tế địa phương để ứng phó hiệu quả hơn với đại dịch”, ông Hiếu chia sẻ.

Bên cạnh đó, nhờ vào sự hợp tác giữa USAID với Trường Đại học Y Dược TP.HCM, 1.500 cán bộ y tế có cơ hội được tìm hiểu về công tác phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn. Trong tương lai gần, hai bên sẽ tổ chức thêm nhiều khóa đào tạo.

“USAID hỗ trợ chúng tôi tiến hành đánh giá phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn tại bệnh viện để xác định các vấn đề và đề xuất giải pháp cải thiện, khắc phục. Chúng tôi cũng thiết lập và duy trì một đường dây nóng cung cấp tư vấn kỹ thuật chuyên môn về phòng chống và kiểm soát nhiễm khuẩn”, bác sĩ Huỳnh Minh Tuấn, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn/Bộ môn vi sinh, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược TP.HCM, chia sẻ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.