Mỹ hưởng lợi khi các hãng công nghệ Đài Loan chuyển khỏi Trung Quốc

02/09/2021 07:57 GMT+7

Nikkei dẫn báo cáo nghiên cứu chính thức của cơ quan kinh tế Đài Loan cho biết, đầu tư trực tiếp của các hãng công nghệ vào Trung Quốc đã giảm mạnh trong thập niên qua.

Sự thay đổi này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố khác nhau, nhưng động lực nổi bật nhất là căng thẳng về công nghệ, thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Các yếu tố khác bao gồm chi phí lao động tăng và quy định chặt chẽ hơn về môi trường.
Sau khi dịch chuyển ra khỏi đại lục, các công ty công nghệ Đài Loan hướng phần lớn hoạt động xây dựng, mua lại nhà máy mới sang Mỹ, châu Âu và Đông Nam Á. Tuy nhiên, có một điểm đáng chú ý là hầu như họ không thực hiện bất kỳ khoản đầu tư chuỗi cung ứng nào vào Nhật Bản như một giải pháp thay thế.
Việc các công ty lớn như Taiwan Semiconductor Manufacturing Co (TSMC) chọn địa điểm sản xuất thay thế đều được ngành công nghiệp và các nhà hoạch định chính sách theo dõi chặt chẽ. Được biết, Nhật Bản đã tìm cách thu hút đầu tư từ các công ty hàng đầu của Đài Loan với hy vọng phục hồi ngành chip. Theo báo cáo của cơ quan kinh tế Đài Loan, Trung Quốc vẫn là điểm đến đầu tư lớn nhất vào năm 2020, chiếm 33,3% tổng số vốn, nhưng thị phần đã giảm xuống so với 79,5% trong năm 2011. Tổng giá trị đầu tư ra nước ngoài của Đài Loan không đổi, khoảng 18 tỉ USD từ năm 2011 đến năm 2020.
Trong số những nơi đầu tư thay thế, Mỹ nổi lên như một điểm đến hàng đầu, với 23,7% thị phần, nhảy vọt từ 4% vào năm 2011. Các nước Đông Nam Á ở vị trí thứ ba với 15%, cải thiện từ 6,2%. Đối với các nhà đầu tư Đài Loan, Mỹ cung cấp thế mạnh về thể chế, trong khi các quốc gia Đông Nam Á có thể cung cấp nguồn lao động với giá hợp lý hơn.
Dù cũng cùng là đồng hương châu Á, lại có mối quan hệ tốt đẹp với Đài Loan, nhưng Nhật Bản lại không nhận thấy bất kỳ dòng vốn đầu tư nào từ sự chuyển hướng này. Báo cáo từ nghiên cứu thậm chí không đề cập đến Nhật Bản trong phân tích. Ngược lại, châu Âu, nơi có điều kiện tương tự như Nhật Bản, đứng thứ tư với 8,9%.
Nhật Bản từng dẫn đầu thế giới về thiết kế và sản lượng chip, nhưng lợi thế này giờ đang thuộc về Đài Loan dù cho các đối thủ Nhật Bản vẫn mạnh về thiết bị, cũng như vật liệu sản xuất chất bán dẫn. Ông Takashi Motomura, đại diện Nhật Bản của quỹ đầu tư về công nghệ TGVest Capital nói, các công ty Nhật Bản “nên đối mặt với thực tế Đài Loan đang đi trước họ về cách áp dụng kết quả nghiên cứu và phát triển vào sản xuất hàng loạt”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.