Chính quyền Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh mục tiêu của chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (FOIP) là nhằm đảm bảo khu vực này “tự do và rộng mở”. “Chúng tôi muốn không thống lĩnh khu vực và chỉ muốn tìm kiếm đối tác dựa trên những nguyên tắc chính bao gồm quốc gia độc lập đảm lợi ích riêng đồng thời tôn trong lợi ích nước láng giềng”, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Daniel J. Kritenbrink phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế châu Á về FOIP được tổ chức tại TP. HCM ngày 7.12.
Bên cạnh đó, chính phủ Mỹ nhấn mạnh nguyên tắc đảm bảo tự do hàng hải, hàng không; thúc đẩy kinh tế thị trường, môi trưởng đầu tư mở, thương mại bình đẳng và đôi bên cùng có lợi; đồng thời bảo vệ những quốc gia có chủ quyền trước những hành động cưỡng bức từ bên ngoài.
Đại sứ Kritenbrink lưu ý FOIP không đi theo hướng cung cấp những khoản vay để thực hiện dự án hạ tầng với điều khoản không minh bạch rồi đẩy các quốc gia vào “bẫy nợ”. Trong hội nghị thượng đỉnh CEO APEC hồi tháng rồi, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cũng nhấn mạnh: “Chúng tôi không nhận chìm các quốc gia đối tác vào trong biển nợ. Chúng tôi không dọa dẫm hoặc làm tổn hại nền độc lập của bất kỳ quốc gia nào. Những thỏa thuận với Mỹ là mở và công bằng, đôi bên cùng có lợi”.
Mặc dù giới chức Mỹ không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng nhiều chuyên gia gần đây cảnh báo những nước đang phát triển vay tiền của Trung Quốc có nguy cơ vỡ nợ và bị gây sức ép chính trị. Chẳng hạn, chính phủ Sri Lanka hồi năm 2017 phải ký hợp đồng cho Trung Quốc thuê cảng chiến lược Hambantota trong 99 năm để trả nợ. Cơ sở này được xây bằng vốn vay 1 tỉ USD từ chính chủ nợ.
Tình hình cũng tương tự tại Đông Nam Á khi Trung Quốc mở rộng chính sách ngoại giao “sổ nợ” tại khu vực nhằm tạo ảnh hưởng trong nhiều vấn đề, đặc biệt là hạn chế các tiếng nói phản đối hành vi quân sự hóa ngang nhiên của Bắc Kinh ở Biển Đông, theo báo cáo của 2 nhà nghiên cứu Sam Parker và Gabrielle Chefitz thuộc Đại học Harvard. Một số nước như Myanmar và Malaysia gần đây đã tuyên bố giảm quy mô và hủy dự án đầu tư hạ tầng của Trung Quốc.
Du vậy, các quốc gia đang phát triển trong khu vực cần khoảng 1,7 nghìn tỉ USD đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng mỗi năm, tính đến 2030 là hơn 26 ngàn tỉ USD, theo Ngân hàng Phát triển châu Á. “Không chính phủ nào có số tiền ngân sách khổng lồ như vậy, chính vì thế Mỹ tạo điều kiện cho tư nhân vào đầu tư với khả năng rót vốn lên đến 70 nghìn tỉ USD. Chỉ có những quốc gia hoan nghênh tư nhân sẽ có thể tiếp cận hàng ngàn tỉ USD vốn vào nền kinh tế, tạo ra công ăn việc làm và thịnh vượng”, đại sứ Kritenbrink lưu ý. Ông đồng thời cho biết chính phủ Mỹ không muốn cho vay, thay vào đó hỗ trợ các quốc gia đang phát triển có thể tiếp cận nguồn vốn tư nhân tư để phát triển hạ tầng.
Tính riêng trong năm 2018, Mỹ hỗ trợ trên 500 triệu USD cho khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trong lĩnh vực an ninh, theo đại sứ Kritenbrink. Trong vòng 2 năm qua, các doanh nghiệp Mỹ đã tuyên bố đầu tư trên 1.500 dự án mới và trên 61 tỉ USD khắp khu vực. Tổng vốn đầu tư của doanh nghiệp Mỹ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hiện tại là trên 1,4 ngàn tỉ USD, nhiều hơn cả Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc cộng lại.
Sau khi dự luật Sử dụng tốt hơn nguồn vốn đầu tư cho phát triển (BUILD) được Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 10, chính phủ đã thiết lập Cơ quan Tài chính Phát triển Quốc tế. Cơ quan này có thẩm quyền cung cấp 60 tỉ USD dưới dạng các khoản vay, vay bảo lãnh và bảo hiểm rủi ro chính trị cho các công ty muốn thực hiện các dự án tại các nước đang phát triển. Tờ The New York Times nhận định đây là động thái của chính phủ Tổng thống Trump nhằm đối phó trước việc Trung Quốc gia tăng sức ảnh hưởng trong khu vực giữa lúc hai bên đẩy mạnh cuộc chiến thương mại đánh thuế lẫn nhau.
Bình luận (0)