Phát biểu khai mạc cuộc họp do bà đồng chủ trì với Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario, Ngoại trưởng Clinton nói: “Chúng tôi kiên định bày tỏ ủng hộ đối với tiến trình xây dựng Bộ quy tắc ứng xử biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc”. Bà cũng cho biết Mỹ “hoan nghênh thông tin mới đây về việc thông qua bản hướng dẫn thực thi Tuyên bố của các bên về ứng xử ở biển Đông”.
Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm gặp gỡ Ngoại trưởng Hillary Clinton tại Bali - Ảnh: AFP |
Bản hướng dẫn được các ngoại trưởng ASEAN và Trung Quốc chính thức thông qua ngày 21.7. Tuy nhiên, theo đánh giá của chính ngoại trưởng nước chủ nhà Marty Natalegawa, văn bản đó “chưa hoàn thiện” và chỉ là bước khởi đầu chứng tỏ “ASEAN và Trung Quốc có thiện chí giải quyết tranh chấp trên biển Đông”. Vì vậy, một COC có tính ràng buộc pháp lý cao hơn là mục tiêu mà ASEAN hướng đến. Nhưng cũng “khó tiên liệu được” tiến trình đi đến COC, theo nhận định của ông Natalegawa. Trong bối cảnh đó, cam kết ủng hộ của Mỹ được xem là một nhân tố tích cực.
Đặc phái viên hạt nhân liên Triều hội đàm Ngày 22.7, Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân Hàn Quốc Wi Sung-lac có cuộc gặp với người đồng cấp CHDCND Triều Tiên Ri Yong-ho bên lề các hội nghị khu vực tại Bali. “Chúng tôi đồng ý cùng nỗ lực nối lại vòng đàm phán hạt nhân 6 bên càng sớm càng tốt”, Yonhap dẫn lời ông Wi cho hay. Sự kiện này nhằm chuẩn bị cho cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Hàn Quốc Kim Sung-hwan và người đồng cấp CHDCND Triều Tiên Pak Ui-chun, có thể sẽ diễn ra hôm nay ở Bali . Trong một diễn biến khác, Hãng thông tấn KCNA ngày 22.7 đưa tin CHDCND Triều Tiên quyết định bổ nhiệm một đại sứ tại ASEAN nhằm tăng cường quan hệ hai bên. Văn Khoa |
Cũng trong cuộc họp hôm qua, bà Clinton phát biểu: “Hơn bao giờ hết, chúng tôi nhìn nhận các giá trị của ASEAN là một động lực cho an ninh và ổn định trong khu vực”. “Tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF, diễn ra hôm nay - NV), tôi sẽ bàn sâu hơn về vai trò của khối trong các thách thức chiến lược then chốt ở khu vực”, trong đó có vấn đề biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ nói.
Ngoài ra, hai bên cũng thông qua Kế hoạch hành động ASEAN - Mỹ (giai đoạn 2011 - 2016) với nhiều nội dung hợp tác mới như an ninh biển, tìm kiếm và cứu hộ, an toàn và giao thông đường biển… “Kế hoạch này tạo cho chúng ta một lực đẩy mới và là sự thể hiện cụ thể sự tham gia tích cực của Mỹ ở Đông Nam Á”, các ngoại trưởng ASEAN nhìn nhận.
Bảo vệ dòng Mê Kông
Cũng trong ngày 22.7, Ngoại trưởng Clinton chủ trì cuộc họp với những người đồng cấp các nước Việt Nam, Lào, Campuchia và Thái Lan về Sáng kiến tiểu vùng Mê Kông do Mỹ khởi xướng năm 2009. Sáng kiến bao gồm 5 lĩnh vực có liên hệ tương hỗ chặt chẽ và tác động trực tiếp lên cuộc sống người dân trong vùng, bao gồm y tế, giáo dục, cơ sở hạ tầng, bảo vệ môi trường và chất lượng nước. Tại Việt Nam, dự án đầu tiên được thực hiện là trạm quan trắc khí tượng đặt ở Đại học Cần Thơ.
Trong bối cảnh biến đối khí hậu và suy thoái môi trường toàn cầu, bà Clinton đặc biệt nhấn mạnh sự cấp thiết phải bảo vệ dòng Mê Kông. “Đó là một vấn đề nghiêm trọng”, bà nói. Xây dựng năng lực bảo vệ môi trường với đội ngũ chuyên gia có khả năng mô hình hóa, quan trắc và theo dõi chất lượng nước và dòng chảy; chuyển giao kỹ thuật và trang bị năng lực đánh giá tác động môi trường trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng cơ sở là hai việc quan trọng nhất theo Ngoại trưởng Mỹ.
“Khi một quốc gia nào đó xây dựng một con đập trên dòng Mê Kông, ngay lập tức các nước vùng hạ lưu chịu tác động và hậu quả do biến đổi môi trường”, bà lập luận. Vì thế, các dự án mà sáng kiến đưa ra “nhằm đảm bảo rằng trước khi thực hiện một công trình, các tác động xã hội và môi trường của nó phải được đánh giá đầy đủ và khoa học” nhằm giảm thiểu thiệt hại cho các quốc gia cùng chia sẻ dòng Mê Kông.
Nhiều đối tác khác cũng được mời tham gia nỗ lực bảo vệ một trong những dòng sông quan trọng nhất của thế giới. “Những người bạn của Sáng kiến tiểu vùng Mê Kông” gồm EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, và New Zealand chiều 22.7 đã tham dự cuộc họp đầu tiên cùng Mỹ và các nước thuộc khu vực hạ Mê Kông.
Ngày 22.7, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Gia Khiêm gặp gỡ song phương với Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton. Hai bên nhất trí tiếp tục tăng cường hợp tác và hướng tới nâng quan hệ lên tầm “đối tác chiến lược”. Ngoài ra, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm cũng có cuộc gặp với những người đồng cấp Takeaki Matsumoto của Nhật Bản và Sergey Lavrov của Nga. Xúc tiến việc thành lập Đại học Công nghệ Việt - Nga tại Việt Nam là một trong những nội dung thảo luận giữa Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Gia Khiêm và Ngoại trưởng Lavrov. Cùng ngày, Ngoại trưởng Clinton thảo luận song phương với người đồng cấp Trung Quốc Dương Khiết Trì. Theo Reuters, bà Clinton hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc thông qua bản hướng dẫn thực thi DOC còn ông Dương không nhắc gì tới cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Đạt Lai Lạt Ma hôm 16.7, vốn bị Trung Quốc cực lực phản đối. |
Thục Minh
(từ Bali, Indonesia)
Bình luận (0)