Mỹ loay hoay tìm cách ngăn vũ khí ở Ukraine thất thoát ra chợ đen

03/11/2022 15:29 GMT+7

Mỹ chỉ mới kiểm tra được 10% trong số 22.000 vũ khí cần được giám sát mà nước này gửi sang cho Ukraine và đang chật vật tìm cách ngăn số vũ khí này thất thoát.

Tên lửa Javelin của Mỹ được sử dụng ở Kharkiv, Ukraine

chụp màn hình the washington post

The Washington Post dẫn lời các nguồn tin giấu tên cho biết các giám sát viên của Mỹ đã kiểm tra trực tiếp khoảng 10% trong số 22.000 vũ khí cần được giám sát mà Washington đã gửi cho Kyiv.

Theo các quan chức Mỹ, họ đang chạy đua triển khai các phương pháp mới để theo dõi những loại vũ khí được coi là có nguy cơ cao bị tuồn ra chợ đen, bao gồm tên lửa đất đối không Stinger và tên lửa chống tăng Javelin.

Họ hy vọng công tác quản lý số vũ khí này sẽ đáp ứng ở mức độ "hợp lý" các quy tắc giám sát của Mỹ. Tuy vậy, các quan chức cũng thừa nhận họ khó có thể kiểm tra 100% số vũ khí trong kho hay đang được Ukraine sử dụng để đảm bảo chúng không bị mất cắp hoặc sử dụng sai mục đích do xung đột ngày càng căng thẳng.

Hé lộ chương trình của Mỹ nhằm tránh thất thoát vũ khí nhạy cảm ở Ukraine

Mỹ cần cẩn thận

Kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự và khiến Đại sứ quán Mỹ ở Kyiv phải đóng cửa trong vài tháng, các quan chức Mỹ chỉ có thể tiến hành hai cuộc kiểm tra trực tiếp các loại vũ khí cần được tăng cường giám sát tại các kho tiếp nhận vũ khí Mỹ đưa vào Ukraine từ Ba Lan.

Các nỗ lực điều chỉnh quy tắc giám sát, vốn được thiết kế cho thời bình, để áp dụng trong xung đột càng trở nên quan trọng hơn do số vũ khí Mỹ hỗ trợ Ukraine tăng chóng mặt và quốc hội Mỹ đang ngày càng chú ý đến vấn đề này.

Quan chức Mỹ và Ukraine cho biết họ không ghi nhận bất kỳ trường hợp nào cho thấy vũ khí Mỹ ở Ukraine bị thất thoát kể từ khi xung đột nổ ra. Bộ Ngoại giao Mỹ thừa nhận rằng việc lực lượng Nga thu được vũ khí Ukraine có thể dẫn đến việc buôn lậu những vũ khí này sang các nước khác.

Các chuyên gia về buôn bán vũ khí cảnh báo rằng chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden và các đồng minh phải luôn đề phòng. Bà Rachel Stohl, Phó chủ tịch phụ trách các chương trình nghiên cứu tại Trung tâm Stimson có trụ sở tại Washington, cho biết các quan chức cũng phải phát triển các kế hoạch dài hạn hơn để đảm bảo an ninh cho lượng vũ khí Mỹ còn dư lại sau khi xung đột giữa Ukraine với Nga kết thúc. Bà Stohl lưu ý rằng Ukraine từng là mảnh đất màu mỡ cho nạn buôn lậu vũ khí sau Chiến tranh Lạnh.

Mỹ lo vũ khí gửi cho Ukraine lại rơi vào tay Nga

Số vũ khí khổng lồ

Chính quyền Tổng thống Biden đang cố gắng nhấn mạnh nỗ lực giám sát mới để giảm nguy cơ vũ khí của Mỹ bị “lọt” ra ngoài, đặc biệt trong bối cảnh các nghị sĩ Cộng hòa ngày càng lo ngại về khối lượng và đường đi của số vũ khí Mỹ hỗ trợ cho Ukraine.

The Washington Post nhận định việc thông qua các gói viện trợ lớn có thể sẽ trở nên khó khăn hơn sau cuộc bầu cử giữa kỳ vào tuần tới.

Tuần trước, Nhà Trắng đã công bố kế hoạch ngăn chặn vũ khí Mỹ ở Đông Âu bị tuồn ra chợ đen. Mỹ đã cung cấp viện trợ quân sự trị giá gần 18 tỉ USD cho Ukraine từ tháng 2, khoản tiền lớn nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc.

Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ Adrienne Watson cho biết Kyiv là một đối tác “có ý chí và có năng lực” trong việc chịu trách nhiệm về vũ khí.

“Dù chúng tôi công nhận rằng tình hình trên chiến trường rất khó đoán, Mỹ và Ukraine đã hợp tác để ngăn chặn vũ khí bị chuyển đi bất hợp pháp kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự vào đầu năm nay”, bà Watson nói.

Các quan chức Mỹ cho biết Ukraine đang nỗ lực thể hiện rằng nước này tuân thủ các yêu cầu về trách nhiệm giải trình vũ khí từ Mỹ và các quốc gia khác. Điều này một phần là vì các quan chức địa phương biết rằng chỉ cần một vụ buôn lậu xảy ra, sự ủng hộ của phương Tây đối với Kyiv có thể suy giảm.

Hầu hết vũ khí Mỹ cấp cho Ukraine đến nay chỉ cần tuân theo các yêu cầu theo dõi tối thiểu, được gọi là “giám sát người sử dụng cuối cùng”, theo hệ thống giám sát vũ khí của Washington. Đối với đạn dược cỡ nhỏ hoặc đồ bảo hộ cá nhân, một sĩ quan quân đội Mỹ ở miền đông Ba Lan được giao nhiệm vụ giám sát việc chuyển giao các thiết bị đó từ các quan chức Mỹ sang quan chức Ukraine.

Trong tất cả các cuộc giao nhận vũ khí Mỹ, Ukraine phải cam kết không chuyển giao vũ khí cho các quốc gia khác mà không có sự cho phép của Washington. Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cho biết công tác giám sát định kỳ rất ít khi được triển khai sau đó.

Kho vũ khí của Mỹ vơi đi vì Ukraine, cần nhiều năm để khôi phục

Thiết bị phức tạp hơn hoặc nhạy cảm hơn như máy bay không người lái Switchblade và thiết bị nhìn ban đêm cần được giám sát kĩ hơn. Trong điều kiện bình thường, một sĩ quan Mỹ sẽ kiểm tra số vũ khí này mỗi năm để đảm bảo rằng chúng được cất giữ an toàn và có số sê ri trùng khớp.

Các hệ thống vũ khí lớn, như hệ thống rốc két pháo binh cơ động cao và lựu pháo M777, không cần giám sát nâng cao.

Nỗ lực của Mỹ

Các quan chức Mỹ thừa nhận rằng khi xung đột Ukraine nổ ra, họ không có quy trình để theo dõi vũ khí tại đó. Các quân nhân Mỹ không thể mạo hiểm vào những khu vực Nga kiểm soát hoặc đang xảy ra giao tranh chỉ để kiểm tra vũ khí.

Để bù đắp cho những hạn chế đó, Mỹ đang xây dựng hệ thống sử dụng máy quét để Ukraine kiểm kê số sê ri mà không cần sự có mặt của quân nhân Mỹ. Thông tin về vũ khí trong kho - được thu thập không kèm theo vị trí của chúng để giữ bí mật - sau đó được tải xuống và cung cấp cho các quan chức Mỹ. Washington đã bắt đầu đào tạo cho các quân nhân Ukraine ở Ba Lan về công nghệ mới sử dụng máy quét này.

Các quan chức Mỹ cũng đang cố gắng thống kê các loại vũ khí được lực lượng Ukraine dùng bằng cách quét các hộp đựng vũ khí đã sử dụng và nhận báo cáo từ quân đội Ukraine. Ukraine cũng đã cung cấp "một số ít" báo cáo tổn thất khi thiết bị, chủ yếu là thiết bị nhìn đêm, bị hỏng.

Các báo cáo về số vũ khí tổn thất và được sử dụng vẫn nằm ở dạng bản cứng và quan chức Mỹ hy vọng số liệu sẽ được tự động hóa. Điều này sẽ giúp họ dễ dàng có được bức tranh tổng quan theo thời gian thực về cách vũ khí Mỹ đang được sử dụng để chống lại Nga.

Báo cáo năm 2020 từ tổng thanh tra Lầu Năm Góc cho thấy các quan chức quốc phòng đã tuân thủ yêu cầu giám sát đối với bệ phóng và tên lửa Javelin được cung cấp cho Ukraine nhưng chưa thực hiện đầy đủ điều này đối với các thiết bị nhìn đêm. Theo đó, quân đội Ukraine không báo cáo nhất quán về việc bị mất hoặc bị trộm các thiết bị. Mỹ cũng nhận thấy rằng số sê ri đôi khi bị sai lệch hoặc không thể đọc được, gây khó khăn cho việc kiểm kê.

Các quan chức ở Kyiv nói rằng bản chất của cuộc xung đột khiến cho việc tuồn vũ khí ra ngoài là điều khó có thể tưởng tượng được. Ông Oleksandr Zavytnevych, người đứng đầu ủy ban quốc phòng và an ninh quốc gia của Quốc hội Ukraine, nói rằng các thành viên của ủy ban đã đến thăm các kho vũ khí và xem xét các tin đồn về việc vũ khí bị trộm hoặc tuồn ra chợ đen nhưng không tìm thấy "dấu hiệu" nào về các hoạt động bất hợp pháp .

Các quan chức Mỹ cho biết quân đội Ukraine đang cố gắng cập nhật hệ thống của riêng mình để theo dõi những vũ khí được viện trợ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.