(Tin Nóng) Lực lượng Thuỷ quân lục chiến Mỹ mời 23 nước tham dự hội nghị chuyên đề về tác chiến đổ bộ, trong đó có Việt Nam, nhưng không mời Trung Quốc vì là “đối thủ của Mỹ”, theo Reuters.
Xe lội nước của Thuỷ quân lục chiến Mỹ tập trận đổ bộ trên Biển Đông, gần bờ biển San Antonio, tỉnh Zambales, Philippines trong khuôn khổ cuộc tập trận chung Balikatan với Philippines ngày 21.4.2015
- Ảnh: Reuters |
Hội nghị chuyên đề này sẽ diễn ra tại Hawaii từ 17 - 21.5, có sự tham dự của lãnh đạo quân đội 23 nước, đa số ở châu Á.
Các nước tham dự chuyên đề tác chiến đổ bộ này có Úc, Bangladesh, Campuchia, Canada, Chile, Columbia, Pháp, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Maldives, Mexico, New Zealand, Peru, Philippines, Singapore, Sri Lanka, lãnh thổ Đài Loan, Thái Lan, Tonga, Anh, và Việt Nam.
Ấn Độ, Brazil và Đông Timor được mời nhưng không tham dự.
Hội nghị chuyên đề đổ bộ này sẽ bao gồm các cuộc họp giao ban nhóm và thảo luận, các bài tập dựa trên kịch bản, quan sát một cuộc đổ bộ và diễn tập chung tại Hawaii.
Trung Quốc đang là trung tâm của các tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông và biển Hoa Đông không được mời sự kiện này, theo Thuỷ quân lục chiến Mỹ, vì chính sách hạn chế của Mỹ.
Một văn kiện của hội nghị này mà Reuters xem được có ghi rằng không nên mời Trung Quốc tham dự vì là “đối thủ của Mỹ” và do phản đối từ vài nước tham dự.
Washington gia tăng chỉ trích các hành vi hung hăng của Trung Quốc trên Biển Đông, nhất là từ khi nước này ồ ạt cải tạo đất và xây đảo nhân tạo tại 7 bãi đá chiếm của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa. Lầu Năm Góc đang xem xét khả năng điều máy bay, tàu chiến đến sát các đảo nhân tạo này để đảm bảo tự do hàng không và hàng hải.
Thuỷ quân lục chiến Mỹ cho biết luật pháp Mỹ cấm các trao đổi quân sự trực tiếp với Trung Quốc. Tuy vậy hồi năm 2014 Hải quân Trung Quốc được mời tham dự tập trận RIMPAC do Mỹ tổ chức với 20 nước, nhưng chỉ được tham gia hạn chế ở các khâu cứu trợ nhân đạo và tìm kiếm cứu nạn mà thôi.
Bộ Quốc phòng Trung Quốc từ chối bình luận về việc này. Còn phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh nói bất kỳ nước nào cũng có quyền mời nước họ muốn tham dự sự kiện hay hội họp, miễn là có lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định khu vực.
Lực lượng đổ bộ chuyên tung ra các hoạt động trên biển bao gồm đổ bộ lên bãi biển từ các tàu thuyền và trực thăng; và lực lượng này trong thời bình thường được sử dụng để cung cấp và phối hợp cứu trợ sau thiên tai. Các đảo rải rác và dễ bị thiên tai ở châu Á là nơi có thể triển khai các hoạt động như vậy.
Một đại diện thủy quân lục chiến Anh nói với Reuters rằng hội nghị chuyên đề này sẽ mở ra khả năng các nước phối hợp cứu trợ thiên tai bằng lực lượng đổ bộ.
Xe lội nước của Thuỷ quân lục chiến Mỹ tập trận đổ bộ gần bờ biển San Antonio, tỉnh Zambales, Philippines trong khuôn khổ tập trận chung Balikatan với Philippines ngày 21.4.2015 - Ảnh: Reuters
|
Không ảnh từ máy bay Philippines cho thấy tàu thuyền Trung Quốc tập trung xây đảo nhân tạo trái phép ở Đá Vành Khăn của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa, ngày 11.5.2015. Sự hung hăng này của Trung Quốc cũng là một nguyên nhân khiến Thuỷ quân lục chiến Mỹ không mời Trung Quốc tham dự hội nghị chuyên đề về tác chiến đổ bộ - Ảnh: Reuters
|
Với khoảng 80.000 binh lính, chiếm gần một nửa sức mạnh của mình ở châu Á, Thuỷ quân lục chiến Mỹ là lực lượng đổ bộ lớn nhất trong khu vực và đóng chủ yếu trên đảo Okinawa của Nhật Bản.
Trung Quốc với khoảng 12.000 thủy quân lục chiến được xem là một đối thủ tiềm năng, theo các chuyên gia quân sự.
Các quốc gia có tranh chấp với Trung Quốc về lãnh thổ ở Biển Đông thì không có lực lượng đổ bộ lớn.
Hai nước đang xây dựng và huấn luyện tác chiến đổ bộ là đồng minh thân cận của Mỹ là Úc và Nhật Bản. Năm 2014, Úc hạ thuỷ tàu đổ bộ Canberra, chiếc đầu tiên trong kế hoạch 2 chiếc, có sức chở 1.000 lính. Nhật Bản bắt đầu tổ chức và huấn luyện lực lượng đổ bộ theo mô hình Mỹ.
Anh Sơn
>> Tên lửa đạn đạo Trung Quốc có thể bắn tới mọi nơi ở Mỹ
>> Chỉ huy Hải quân Mỹ kêu gọi kiểm soát lưu thông tàu ngầm thế giới
>> Các tập đoàn vũ khí hàng đầu Mỹ đến Việt Nam chào hàng
>> Tư lệnh Hạm đội 7 Mỹ: Tuần tra gần Trường Sa là thường lệ
>> Hạm đội 7 Mỹ phô diễn sức mạnh trên Biển Đông
>> Trung Quốc sẽ không mua tàu đổ bộ Mistral của Pháp ?
Bình luận (0)