Mỹ-Nga cố làm êm vụ gián điệp

01/07/2010 00:53 GMT+7

Cả Moscow và Washington đều đang nỗ lực giảm thiểu tác hại của vụ tai tiếng gián điệp vừa nổ ra đối với quan hệ giữa hai bên.

Bộ Ngoại giao Nga hôm qua bày tỏ hy vọng rằng việc Mỹ cáo buộc 11 người làm gián điệp cho nước này sẽ không gây tổn hại cho quan hệ đang có dấu hiệu khởi sắc của hai nước. Thủ tướng Vladimir Putin cũng đã có động thái tương tự trong cuộc gặp gỡ với cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton tại Moscow. "Tôi mong rằng chiều hướng tích cực giữa hai bên trong những năm qua sẽ không bị tổn hại. Hy vọng những người biết quý trọng quan hệ tốt đẹp sẽ hiểu điều đó", AFP dẫn lời ông Putin nói. Ngoài ra, nhật báo hàng đầu của Nga là Kommersant dẫn một nguồn tin ngoại giao cho hay tất cả những nhân vật "ăn to nói lớn" trong nước đều được chỉ thị không đưa ra bình luận gì để tránh "đổ dầu vào lửa".

Washington cũng nỗ lực dùng những lời lẽ tốt đẹp để làm dịu căng thẳng. Phát ngôn viên Nhà Trắng Robert Gibbs thì cho hay Tổng thống Barack Obama đã được báo cáo về chiến dịch vây bắt các nghi can từ trước nhưng ông đã không đề cập vấn đề này trong chuyến thăm mới rồi của người đồng cấp Dmitry Medvedev. Hai vị tổng thống đã có một buổi ăn trưa hết sức thân thiện, thể hiện sự nồng ấm chưa từng có giữa hai đối thủ trong chiến tranh lạnh. "Hai nước đã vượt qua cuộc chiến tranh lạnh để tiến gần tới giai đoạn tin cậy lẫn nhau hơn", AFP dẫn lời Phil Gordon, Trợ lý ngoại trưởng phụ trách châu u của Mỹ nói. 

Truyền thông Mỹ dẫn những báo cáo của Bộ Tư pháp hé lộ những chi tiết đậm chất tiểu thuyết điệp báo. Theo đó, sau hơn 10 năm thu thập thông tin, FBI hồi cuối tuần rồi đã bắt giữ 10 người tại nhiều tiểu bang khác nhau trong khi nghi phạm thứ 11 bị bắt hôm 29.6 ở CH Síp. Theo cáo trạng của tòa án New York, những người này được gọi là "dân nằm vùng", được cài cắm ở Mỹ từ rất lâu, một số người đã định cư khoảng 20 năm dưới vỏ bọc các cặp vợ chồng, và hoạt động trong những ngành có khả năng xây dựng quan hệ rộng như tài chính và truyền thông để lấy thông tin từ giới hoạch định chính sách của Washington. Ngoài các công nghệ tối tân, các nghi can còn sử dụng cả những phương pháp truyền thống như mực vô hình và tráo đổi những cái túi giống nhau khi "tình cờ" đi ngang nhau trong công viên để trao đổi thông tin. Bộ Ngoại giao Nga xác nhận có công dân nước mình trong số những người bị bắt nhưng khẳng định họ không làm gì tổn hại đến lợi ích của Mỹ.

Đặc biệt, mọi sự chú ý đang dồn vào một nghi phạm tên là Anna Chapman. Các bức ảnh của cô gái tóc đỏ xinh đẹp này xuất hiện trên trang nhất của rất nhiều tờ báo Mỹ hôm qua và tờ New York Post gọi là cô là femme fatale, từ chỉ những phụ nữ xinh đẹp nhưng hết sức nguy hiểm. Không sống kín tiếng như các nghi can khác, Chapman tham gia vào nhiều trang mạng xã hội như Facebook, tự đăng rất nhiều hình ảnh và thông tin của mình. Cô còn được mô tả như một nữ doanh nhân 28 tuổi năng động và thành đạt, từng làm ăn tại nhiều nơi trong nhiều lĩnh vực khác nhau và từng tới Mỹ nhiều lần từ năm 2005. Thậm chí, cô có tài sản trị giá tới 2 triệu USD nhờ kinh doanh bất động sản.

Tuy nhiên, AP dẫn lời một quan chức Bộ Tư pháp Mỹ nói tất cả những điều trên chỉ là vỏ bọc của một "điệp viên cấp cao, được huấn luyện rất bài bản". Theo cáo trạng, Chapman thường xuyên sử dụng những thiết bị công nghệ cao để truyền thông tin cho một điệp viên của Nga trong giai đoạn tháng 1- tháng 6 năm nay. Cô bị bắt sau khi "sập bẫy" của một nhân viên FBI ngụy trang thành nhân viên tình báo Nga. Hiện luật sư của Chapman vẫn khẳng định những cáo buộc đối với thân chủ ông là "không có cơ sở" theo AFP.

Đúng là còn rất nhiều uẩn khúc trong vụ án này và Mỹ vẫn chưa công bố rõ ràng các nghi can đã truyền thông tin gì về Nga và liệu hoạt động của họ có gây phương hại đến an ninh Mỹ hay không. Chính vì thế, nhiều tờ báo có lượng phát hành lớn ở Nga như Tvoi Den và Moskovsky Komsomolets đặt nghi vấn vụ tai tiếng này thật ra là "độc chiêu" nhằm vào Tổng thống Obama từ một số thành phần ở Washington không hài lòng với chính sách thân thiện với Nga của ông.

Trọng Kha

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.