Washington đối đầu với Nga kể từ khi cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine bắt đầu vào tháng 2, dẫn đến Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản áp dụng các biện pháp trừng phạt lên Nga với cáo buộc Moscow can dự vào tình hình Ukraine, trang tin Want China Times (Đài Loan) ngày 17.11 dẫn lại bài viết của Duowei News.
|
Sự không tin tưởng lẫn nhau giữa Mỹ - Nga ngày càng gia tăng, được thể hiện rõ qua việc Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Barack Obama gặp gỡ chỉ 20 - 30 phút bên lề Hội nghị thượng đỉnh APEC tại Bắc Kinh hồi tuần rồi, nhưng hai lãnh đạo chẳng có gì nhiều để thảo luận.
Tại hội nghị thượng đỉnh G20, ông Putin bị đón tiếp lạnh lùng và đối mặt với những lời chỉ trích dữ dội từ các lãnh đạo thế giới về việc Moscow can dự vào tình hình Ukraine. Và ông Putin đã lên tiếng cảnh báo những biện pháp trừng phạt mà Mỹ và phương Tây áp đặt lên Nga là “một sai lầm”, vi phạm luật quốc tế và các thỏa thuận thương mại.
Quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc cũng đang căng thẳng. Bắc Kinh luôn ngờ vực chính sách xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ là nhằm kiềm chế Trung Quốc, theo nhận định của Duowei News.
Do không thể đối đầu trực tiếp với một Trung Quốc có nền kinh tế đang trổi dậy, Washington chuyển sang các biện pháp địa chính trị, ủng hộ đồng minh Nhật Bản và siết chặt hơn quan hệ với Philippines, Ấn Độ, vốn là những quốc gia có tranh chấp lãnh thổ với Bắc Kinh.
Mặc dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp gỡ với ông Obama ngay lập tức sau Hội nghị thượng đỉnh APEC hồi tuần rồi, và mỗi bên đều nhấn mạnh “sự tin tưởng và hợp tác”, nhưng cả hai lãnh đạo chỉ nêu lên những vấn đề riêng của nước họ mà không hề đề cấp đến bất kỳ điểm tương đồng nào giữa hai nước, Duowei News cho hay.
Với tình hình hiện tại, Mỹ-Trung có thể được xem là dần cải thiện quan hệ, nhưng quan hệ hai nước vẫn có nguy cơ trở nên tồi tệ và căng thẳng bất cứ lúc nào, theo Duowei News.
Đối đầu như “Tam Quốc Diễn Nghĩa”
Duowei News so sánh quan hệ Mỹ, Trung Quốc, và Nga giống như ba nước Đông Ngô, Thục Hán, Tào Ngụy thời Tam Quốc trong lịch sử Trung Quốc được nêu trong tác phẩm nổi tiếng "Tam Quốc Diễn Nghĩa".
|
Trong tác phẩm này, ba quốc gia đại diện cho một cán cân quyền lực mong manh. Bất kỳ một nước nào dám phá vỡ cán cân quyền lực này sẽ có nguy cơ bị hai quốc gia kia hợp sức chống lại, theo Duowei News.
Duowei News cho rằng, giống như thời Tam quốc, Trung Quốc và Nga đang thắt chặt quan hệ được cho là để đối phó với những động thái "đối đầu" của Mỹ nhằm phá vỡ cán cân quyền lực trong khu vực.
Kể từ khi Crimea bỏ phiếu ly khai Ukraine, sáp nhập Nga hồi tháng 3.2014, các lệnh trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã đặt Moscow vào tình hình kinh tế khó khăn. Các doanh nghiệp của Nga tổn thất tổng cộng khoảng 165 tỉ USD vì các lệnh trừng phạt, theo hãng tin Bloomberg (Mỹ).
Trước tình thế bị Mỹ và phương Tây bao vây bởi những biện pháp trừng phạt, Nga chuyển sang hợp tác với Trung Quốc.
Ngân hàng trung ương Nga-Trung Quốc đã ký kết một thỏa thuận trị giá 150 tỉ nhân dân tệ (24,4 tỉ USD) hồi tháng rồi, tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư trực tiếp giữa hai nước. Trong hội nghị thượng đỉnh APEC vừa qua, Nga-Trung cũng đã ký kết hàng loạt thỏa thuận tài chính và thương mại tổng trị giá gần 10 tỉ USD.
Bên cạnh đó, Trung Quốc và Nga cũng đã ký kết những thỏa thuận hợp tác quân sự, bao gồm những cuộc tập trận quân sự chung.
Ngoài ra, Chủ tịch Tập Cận Bình gần đây cũng tuyên bố Trung Quốc sẽ đầu tư 40 tỉ USD cho Quỹ Con đường Tơ lụa, để phát triển hạ tầng nhằm liên kết các nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, được cho là nhằm đối trọng với chính sách xoay trục của Mỹ.
Nếu xu hướng này tiếp diễn, thì Mỹ rõ ràng kết thúc trong một viễn cảnh “ác mộng”, trong đó Washington phải đối mặt với Nga-Trung và bị cô lập ở châu Á, theo Duowei News.
Phúc Duy
>> Obama cảnh báo nguy cơ xung đột lãnh thổ ở châu Á
>> Trung Quốc đã từ bỏ 'chiến lược kiềm chế' ở biển Đông
>> Mỹ, Nhật, Úc gián tiếp bày tỏ lo ngại về tình hình biển Hoa Đông
Bình luận (0)