Lần đầu tiên, giới chức Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ cùng chính thức thảo luận về nhiều vấn đề an ninh chung trên thế giới lẫn trong khu vực.
Ngày 20.12, website của Bộ Ngoại giao Mỹ đăng thông cáo về cuộc đối thoại nói trên, diễn ra tại thủ đô Washington một ngày trước đó. Cuộc hội đàm được chủ trì bởi 2 trợ lý ngoại trưởng Mỹ là Robert Blake, phụ trách các vấn đề Trung và Nam Á, và Kurt Campbell đảm đương vùng Đông Á - Thái Bình Dương. Theo đó, 3 nước thống nhất sẽ tăng cường chia sẻ thông tin và nhận thức chung về một loạt vấn đề an ninh trên thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt chú trọng an ninh biển. Đại diện Mỹ - Nhật - Ấn cũng đồng ý tăng cường thảo luận và tổ chức cuộc đối thoại tay ba tiếp theo vào năm sau. Washington cũng khẳng định sự hợp tác này không nhằm vào bất cứ bên nào khác, theo Tân Hoa xã.
Trước đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Koichiro Gemba đã gặp gỡ người đồng cấp Mỹ Hillary Clinton trong khuôn khổ chuyến thăm Washington kéo dài 4 ngày từ 18.12. Tờ Hindustan Times dẫn lời ông Gamba khẳng định sau cuộc gặp: “Nhật Bản cùng Mỹ đang tiến tới quan hệ chiến lược sâu sắc hơn với Ấn Độ”. Từ năm 2009, ba bên đã cùng nhau tổ chức một số cuộc tập trận chung trên biển. Hồi tháng trước, giới truyền thông còn đưa tin New Delhi và Tokyo đang thảo luận về tổ chức tập trận song phương vào đầu năm sau.
|
Thời gian qua, Washington, Tokyo và New Delhi liên tục nhấn mạnh việc tăng cường hợp tác để bảo đảm tự do hàng hải cũng như đối phó các nguy cơ truyền thống lẫn phi truyền thống trên biển như hải tặc Somalia.
Hiện nay, Ấn Độ Dương cùng nhiều vùng biển khác trong khu vực đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc vận chuyển hàng hóa, đặc biệt là dầu mỏ, trên thế giới. Vì thế, những nguy cơ nêu trên cũng là quan ngại chung của nhiều nước khác. Ngày 20.12, AFP đưa tin Trung Quốc đang hình thành mạng lưới liên kết quân sự ở châu Phi và Ấn Độ Dương để bảo vệ các tàu hàng của mình. Theo đó, nước này tuyên bố hỗ trợ lực lượng Uganda hoạt động tại Somalia và xem xét lập trạm tiếp vận ở đảo quốc Seychelles trên Ấn Độ Dương để chống cướp biển. Ngoài ra, Bắc Kinh có thể sớm đưa máy bay trinh sát và lực lượng vũ trang đến khu vực này.
Ngô Minh Trí
Bình luận (0)