Mỹ - Nhật củng cố quan hệ đồng minh

14/11/2009 00:11 GMT+7

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua đã tới thăm Nhật Bản nhằm nhấn mạnh mối quan hệ đồng minh giữa hai cường quốc.

Sự thay đổi chính quyền ở Mỹ đã dẫn đến một số đổi thay trong chính sách đối ngoại. Chính phủ mới ở Nhật Bản, do Thủ tướng Yukio Hatoyama đứng đầu, thì không ít lần nhấn mạnh chủ trương xây dựng một vị thế độc lập hơn trong quan hệ với Mỹ, cũng như tăng cường quan hệ với các nước châu Á, trong đó có Trung Quốc.

Gần đây, quan hệ Mỹ - Nhật vấp phải một số thách thức và thách đố, chẳng hạn kế hoạch sắp xếp lại căn cứ quân sự của Mỹ trên quần đảo Okinawa. Trong khi chính phủ của ông Hatoyama đề nghị chuyển căn cứ không quân Futenma của lính thủy đánh bộ Mỹ khỏi đảo Okinawa, thì phía Mỹ chỉ muốn dời tới một nơi “hẻo lánh” hơn trên đảo.

Trước chuyến thăm, ông Obama còn nhận được lời mời “tế nhị”: tới thăm Nagasaki và Hiroshima, hai thành phố Nhật Bản bị Mỹ ném bom nguyên tử hồi Thế chiến 2. Trong khi người mời tỏ thiện chí, thì bản thân lời mời vẫn cứ như là một sự thách đố về khả năng vị tổng thống da màu đầu tiên của Mỹ trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên tới thăm hai nơi này. Lời mời cũng như một phép thử cho các tuyên bố về quyết tâm hướng tới một thế giới không vũ khí hạt nhân mà ông Obama luôn nhấn mạnh. Rốt cuộc, ông Obama không nhận lời, nói rằng sẽ đi thăm hai nơi này vào dịp khác, theo BBC.

Một trục trặc nữa, đó là việc Nhật Bản tuyên bố chấm dứt nhiệm vụ tiếp nhiên liệu cho tàu Mỹ tại Ấn Độ Dương. Bước đi này chẳng khác gì “lá phiếu chống” đối với kế hoạch tăng quân cho chiến trường Afghanistan vốn là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại dưới thời Obama. Chuyến đi của chủ nhân Nhà Trắng tới Tokyo lần này, vì thế, bao gồm cả việc gây áp lực để người Nhật Bản đóng góp nhiều hơn cho vấn đề Afghanistan. “Mỹ mong đợi Nhật Bản có một giải pháp thay thế cho việc chấm dứt sứ mệnh tiếp nhiên liệu hải quân”, báo Asahi Shimbun bình luận.

Thực ra, Nhật Bản mới đây đã công bố tài trợ 5 tỉ USD để Afghanistan tái thiết đất nước. Đây được coi như là sự bù đắp cho việc chấm dứt sứ mệnh tiếp nhiên liệu. Chừng đó có thể chưa làm hài lòng Nhà Trắng, nhưng người ta chờ đợi những bước đi tiếp theo của Nhật Bản theo hướng “đóng góp nhiều hơn cho bài toán Afghanistan”.

Đề nghị của chính phủ mới ở Nhật Bản về việc chuyển căn cứ Mỹ ở Okinawa khỏi hòn đảo này cũng không tới mức quyết liệt, nên có thể hiểu rằng động thái đó nhằm đối nội nhiều hơn là đối ngoại. Trong khi dân Nhật, đặc biệt là dân ở Okinawa, phản đối sự hiện diện của quân đội Mỹ ở đây rất quyết liệt, thì những nhà lãnh đạo ở Tokyo cũng cần có động thái hợp lòng dân. Chứ thực ra, trong bối cảnh căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên cùng một số lý do khác, Nhật Bản vẫn rất cần sự hiện diện của Mỹ ở tây Thái Bình Dương.

Nói tóm lại, một số trở ngại trên là rất nhỏ so với mối quan hệ đồng minh thân thiết giữa Tokyo và Washington. Bản thân ông Hatoyama đã nhấn mạnh vào hôm qua: “Quan hệ Nhật - Mỹ là nền tảng trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản. Không có gì phải bàn cãi về sự cần thiết phải tăng cường mối quan hệ đó”. 

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.