Hành động xây dựng đảo nhân tạo của Trung Quốc ở biển Đông đang gây căng thẳng - Ảnh: Reuters |
Theo Kyodo News ngày 13.11, việc Trung Quốc đưa dàn khoan đến vùng biển của Việt Nam hồi tháng 5 đã dẫn đến những cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc. Ngoài ra, Philippines đã lên án việc cải tạo đảo của Bắc Kinh trong vùng biển tranh chấp để sử dụng cho mục đích quân sự. Những điều này gây khó khăn hơn cho việc giải quyết tranh chấp trong tương lai.
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Đông Á (EAS) ở thủ đô Naypyitaw, Myanmar ngày 13.11, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói rằng: “Chúng tôi mong muốn các nước liên quan đến tranh chấp lãnh thổ trên biển thực hiện tự kiềm chế ngăn các hành động phá hoại sự hòa bình và ổn định ở biển Đông”.
"Nhiều nước bày tỏ sự quan ngại nếu các hành động đơn phương tiếp tục tiếp diễn ở biển Đông”, một quan chức cấp cao Nhật Bản trích lời Thủ tướng Abe phát biểu tại EAS.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - Ảnh: AFP |
Thủ tướng Nhât Bản Shinzo Abe đề xuất 3 nguyên tắc ông từng chủ trương tại Hội nghị an ninh châu Á tại Singapore hồi tháng 5 trong vấn đề căng thẳng biển Đông.
Theo đó, ông Abe nhấn mạnh các bên phải tuyên bố và làm rõ những yêu sách của mình dựa trên luật pháp quốc tế; các quốc gia không được sử dụng vũ lực hoặc sự áp bức để cố gắng thúc đẩy các yêu sách của mình và các quốc gia phải tìm cách giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.
Lãnh đạo Nhật Bản nói rằng ông mong Trung Quốc và các quốc gia ASEAN sẽ đẩy nhanh việc tham vấn tiến tới việc sớm đạt được Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở biển Đông (COC) nhằm giảm xung đột về lãnh thổ ở biển Đông.
Tổng thống Mỹ Barack Obama thúc giục các bên giảm căng thẳng, đảm bảo kiềm chế tối đa và giải quyết tranh chấp dựa trên luật pháp quốc tế, theo các nguồn tin ngoại giao ASEAN.
Tổng thống Mỹ Barack Obama - Ảnh: AFP |
Ngoài ra, Tổng thống Obama nhấn mạnh sự cần thiết để 2 bên đạt được Bộ qui tắc ứng xử các bên ở biển Đông (COC). Ông Obama nói rằng điều quan trọng là phải đối thoại mang tính xây dựng và có tiến triển, đặc biệt khi vẫn còn nhiều xung đột nhưng ngoại giao còn thấp, theo nguồn tin ngoại giao ASEAN.
Tuy nhiên, trái ngược những quan ngại từ Mỹ, Nhật và các quốc gia khác, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường lại nói: "tình hình ở biển Đông nói chung là ổn định, sự tự do và an toàn hàng hải ở biển Đông vẫn được đảm bảo ".
Trung Quốc từ chối sự can thiệp của Mỹ, Nhật hay bên thứ 3 nào vào tranh chấp trên biển Đông. Trong một nỗ lực để áp đảo các bên tranh chấp khác, Bắc Kinh đã kêu gọi đàm phán song phương với họ, chứ không phải là ngoại giao đa phương , trong việc giải quyết những tranh chấp lãnh thổ, theo Kyodo News.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường- Ảnh: AFP |
Trước đó, tại Đối thoại quốc phòng Shangri-La tổ chức ở Singapore hồi tháng 5, Thủ tướng Shinzo Abe cũng từng tuyên bố ủng hộ mạnh mẽ những nỗ lực của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp thông qua đối thoại. Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Hagel đã khẳng định rằng Mỹ ủng hộ các thể chế đa phương trong khu vực để giải quyết mâu thuẫn.
Ngọc Mai
>> Trung Quốc muốn có 'hiệp ước thân thiện' về biển Đông
>> Trung Quốc sẽ chịu áp lực vấn đề biển Đông tại ASEAN
>> Trung Quốc điều chiến hạm ra biển Đông săn tàu ngầm
>> Trung Quốc-Philippines đồng ý giảm căng thẳng trên biển Đông
>> Biển Đông 'ảnh hưởng mạnh' hòa bình khu vực
Bình luận (0)