Mỹ nhờ Nga can thiệp nối lại đàm phán 6 bên về hạt nhân Triều Tiên

26/05/2016 13:29 GMT+7

Thứ trưởng Ngoại giao Nga Igor Morgulov và ông Sung Kim, Đặc phái viên của Mỹ phụ trách chính sách Triều Tiên, đã có cuộc điện đàm về việc nối lại đàm phán phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

“Hai bên đã thảo thuận về sự hợp tác giữa Mỹ và Nga trong việc tìm kiếm giải pháp khôi phục đàm phán sáu bên ở bán đảo Triều Tiên”, TASS dẫn nguồn từ Bộ Ngoại giao Nga cho hay.
Theo thông tấn xã Nga, cuộc điện đàm diễn ra hôm 25.5 và phía Mỹ đã đề nghị cuộc thảo luận này nhằm kêu gọi nỗ lực của Nga trong việc thuyết phục Triều Tiên quay trở lại bàn đàm phán. Bên cạnh việc là nước tham gia đàm phán sáu bên, Nga còn là nước thân cận cùa Triều Tiên sau Trung Quốc.
Đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên - bao gồm Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật, Hàn Quốc và Triều Tiên - được khởi xướng hồi năm 2008. Tuy nhiên, cuộc đàm phán này bị gián đoạn từ nhiều năm nay vì Bình Nhưỡng đơn phương rút lui khi cho rằng các nước khác “ép" mình. Triều Tiên muốn tiếp tục phát triển chương trình hạt nhân, cho rằng đó là lá chắn cho chế độ Bình Nhưỡng trước những áp lực từ bên ngoài, đặc biệt là từ Mỹ.
Các nước tham gia trong đàm phán sáu bên đã cố gắng thuyết phục Bình Nhưỡng nối lại đàm phán này nhưng không thành công, kể cả Trung Quốc, đồng minh thân cận của Triều Tiên.
Ông Sung Kim, Đặc phái viên Mỹ phụ trách chính sách về Triều Tiên Reuters
Viện nghiên cứu Sejong của Hàn Quốc cho hay có khả năng rất cao Triều Tiên sẽ tiếp tục thử hạt nhân lần thứ 5 hoặc phóng thử tên lửa tầm xa, theo Yonhap ngày 26.5.
Triều Tiên thử hạt nhân lần thứ 4 hồi tháng 1.2016 và liên tục phóng thử tên lửa trong nhiều tháng qua bất chấp lệnh trừng phạt tăng thêm từ Hội đồng bảo an Liên Hiệp Quốc hồi tháng 3.2016.
Viện Sejong cho rằng Bình Nhưỡng muốn đe dọa thế giới nhằm ký kết hiệp ước hòa bình. Triều Tiên muốn Mỹ và các cường quốc hạt nhân công nhận Triều Tiên là quốc gia hạt nhân.
Trong đại hội đảng tổ chức sau 36 năm hồi đầu tháng 5.2016, lãnh đạo Kim jong-un tuyên bố không từ bỏ chương trình hạt nhân, vẫn tiếp tục xem vũ khí hạt nhân là chiến lược hàng đầu của Bình Nhưỡng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.