Mỹ nói bị áp lực từ năng lực vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, Triều Tiên

Khánh An
Khánh An
09/06/2023 06:57 GMT+7

Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ cho rằng Washington phải hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân, do áp lực từ Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.

Mỹ nói bị áp lực từ năng lực vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, Triều Tiên - Ảnh 1.

Tên lửa Trident II D5 chưa trang bị đầu đạn hạt nhân trong một thử nghiệm phóng từ tàu ngầm USS Nebraska ngoài khơi bang California (Mỹ)

HẢI QUÂN MỸ

Tờ South China Morning Post ngày 9.6 dẫn lời một quan chức cấp cao Lầu Năm Góc nói rằng Mỹ bị áp lực phải hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân và vạch ra kế hoạch chiếc ô hạt nhân mở rộng cùng kế hoạch dự phòng.

Nguyên nhân do Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên tăng đáng kể năng lực vũ khí hạt nhân, theo ông Ely Ratner, trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách các vấn đề an ninh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ.

Mỹ nói bị áp lực từ năng lực vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, Triều Tiên

Năm ngoái, Bộ Quốc phòng Mỹ đưa ra báo cáo cho rằng Trung Quốc có thể sở hữu đến 1.500 đầu đạn hạt nhân vào năm 2035, dù sau đó Bắc Kinh bác bỏ. Theo Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (Thụy Điển), ước tính Nga có 5.977 đầu đạn hạt nhân, còn Mỹ có 5.428 đầu đạn hạt nhân.

"Không có gì bí mật rằng Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) đang hiện đại hóa lớn về hạt nhân. Việc đảm bảo rằng chúng ta có năng lực cần thiết để duy trì răn đe vẫn là ưu tiên của Mỹ, khi điều này liên quan các đồng minh và đối tác", ông phát biểu.

Mỹ nói bị áp lực từ năng lực vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, Triều Tiên - Ảnh 2.

Ông Ely Ratner, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách các vấn đề an ninh ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương

REUTERS

Một trụ cột để đối phó với tình hình ở Đông Bắc Á là việc tài trợ cho quá trình hiện đại hóa hạt nhân của Mỹ. Vào năm 2021, Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính rằng Washington sẽ chi 634 tỉ USD trong thập niên tới để nâng cấp kho vũ khí hạt nhân của mình, tăng 28% so với dự báo 10 năm trước đó.

Các dự án bao gồm việc tiếp tục phát triển đầu đạn hạt nhân năng suất thấp W76-2 mới cho một số tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm và phát triển lâu dài hơn một tên lửa hành trình hạt nhân mới phóng từ tàu ngầm.

Các ưu tiên hạt nhân khác, đặc biệt là liên quan Triều Tiên, bao gồm tăng cường các phản ứng tiềm năng đối phó động thái của Bình Nhưỡng và mở rộng khả năng răn đe ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng với Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc và các quốc gia khác mà Mỹ đang "mở rộng chiếc ô hạt nhân trong khu vực", ông Ratner nói thêm.

Không quân Nga-Trung Quốc tuần tra chung Thái Bình Dương, Hàn Quốc, Nhật Bản tung máy bay theo dõi


Ông Ratner vừa trở về từ Đối thoại Shangri-La ở Singapore từ ngày 2-4.6, và các cuộc tham vấn ở Ấn Độ. Quan chức này bày tỏ sự tin tưởng rằng việc chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden tập trung vào các đồng minh và đối tác đã tỏ ra có hiệu quả trong việc đối phó sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc.

"Không có gì bí mật rằng sự quyết đoán và cưỡng ép của Trung Quốc đã thực sự nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hợp tác cùng nhau. Hiện tại, tôi có niềm tin vững chắc rằng các lực lượng ổn định đang vượt xa các lực lượng gây hấn và cưỡng ép", theo ông Ratner, quan chức từng làm việc cho Bộ Ngoại giao, tổ chức Rand Corporation và Hội đồng An ninh quốc gia của Mỹ.

Trung Quốc và Triều Tiên không lập tức phản ứng về phát biểu của ông Ratner.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.