Ông Sullivan nói với một nhóm vận động kiểm soát vũ khí rằng Washington không cần phải tích lũy thêm đầu đạn hạt nhân để ngăn chặn kẻ thù. Tuyên bố này được xem như một lời đề nghị với Nga rằng Mỹ sẽ tuân thủ các giới hạn vũ khí hạt nhân theo một hiệp ước sẽ hết hạn vào năm 2026, miễn là Nga cũng làm điều tương tự.
"Việc tham gia một cuộc cạnh tranh không có điểm dừng về các lực lượng chiến lược không đem lại lợi ích cho quốc gia nào, và chúng tôi sẵn sàng tuân thủ các giới hạn cốt lõi, miễn là Nga cũng vậy. Và thay vì chờ đợi giải quyết toàn bộ khác biệt song phương, hiện tại Mỹ sẵn sàng làm việc với Nga để quản lý các rủi ro hạt nhân và phát triển khung kiểm soát vũ khí sau năm 2026", ông Sullivan nhấn mạnh.
Hồi tháng 2, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow đình chỉ tham gia hiệp ước hạt nhân New START. Đây là hiệp ước cuối cùng hạn chế vũ khí hạt nhân chiến lược của Mỹ và Nga.
Vào thời điểm đó, ông Putin yêu cầu Mỹ chấm dứt ủng hộ Ukraine trong xung đột với Nga, đồng thời đưa Pháp và Anh tham gia các cuộc đối thoại kiểm soát vũ khí. Chính phủ Mỹ sau đó tuyên bố động thái của ông Putin là "vô trách nhiệm và vô pháp".
Hiệp ước New START được kí kết năm 2010 và dự kiến sẽ hết hiệu lực vào tháng 2.2026. Hiệp ước này quy định số lượng đầu đạn hạt nhân chiến lược các nước có thể triển khai và hạn chế số lượng tên lửa phóng từ mặt đất và tàu ngầm, cũng như máy bay ném bom có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Mọi hiệp ước mới cũng sẽ phải tính đến việc Trung Quốc đang tăng cường kho vũ khí hạt nhân của mình. Lầu Năm Góc dự đoán Bắc Kinh có khả năng tăng gấp ba số đầu đạn hạt nhân lên đến 1.500 vào năm 2035.
Mỹ trả đũa Nga liên quan hiệp ước hạt nhân
Bình luận (0)