Đô đốc Jonathan Greenert, Tham mưu trưởng Hải quân Mỹ, phát biểu như vậy tại Hội thảo an ninh biển ngày 15.5 ở Singapore, trong khuôn khổ Hội nghị và triển lãm quốc phòng biển quốc tế biển châu Á (IMDEX Asia). Cuộc hội thảo có sự tham dự của hơn 30 tư lệnh hải quân và người đứng đầu lực lượng cảnh sát biển cùng khoảng 300 quan chức hải quân từ 35 quốc gia. Các quan chức khác như Tổng tham mưu trưởng Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản Katsutoshi Kawano… cũng có bài phát biểu và thảo luận tại hội thảo.
|
Trong bài phát biểu của mình, Đô đốc Greenert nói rằng “tương lai và sự thịnh vượng của Mỹ phụ thuộc rất nhiều vào khu vực châu Á - Thái Bình Dương”, nơi mà các nguy cơ đe dọa an ninh trên biển đang là những thách thức lớn. Và những thách thức toàn cầu đó buộc Mỹ “phải chuyển hóa”, dù nước này đã và đang hiện diện ở khu vực với 50 tàu chiến và hàng chục ngàn binh sĩ suốt nhiều thập niên qua. Chiến lược tái cân bằng với kế hoạch tăng cường thêm lực lượng hải quân đến khu vực này xuất phát từ nhu cầu đó, theo ông Greenert.
Hợp tác
Ông Greenert nói rằng thực chất của chiến lược này là hợp tác, nhằm hỗ trợ các đồng minh, đối tác và các đối tác tiềm năng. Ông khuyến cáo các nước cần nhận diện những thách thức chung và có tiếng nói chung, chia sẻ thông tin và hành động chung. Việc diễn tập chia sẻ thông tin giữa lực lượng bảo vệ biển của 30 quốc gia tại quân cảng Changi của Singapore hôm 14.5 là một ví dụ cụ thể. Mỹ cũng sẽ đưa chiến hạm cận bờ (LCS) USS Freedom tham gia diễn tập hỗ trợ nhân đạo, giảm thiểu thiên tai và quân y gồm 10 quốc gia ASEAN và 8 đối tác lớn ở Brunei vào ngày 16 - 20.6.
Bên cạnh các hoạt động quân sự đa phương, ông Greenert nói Hải quân Mỹ cũng chú trọng hoạt động huấn luyện song phương với các đồng minh, cũng như nỗ lực đối thoại với Hải quân Trung Quốc. “Chúng ta cần đặt ra những nghi thức và cách thức đối thoại với nhau trên biển” một cách minh bạch, ông nói. Theo ông, binh sĩ Mỹ trú đóng trong khu vực “cần hiểu văn hóa và tôn trọng chủ quyền văn hóa” địa phương. “Hãy để chúng tôi thích nghi với địa bàn và những thách thức ở đó”, nhằm xây dựng những mối quan hệ ổn định và tích cực, ông nói.
Ông Greenert cũng cho rằng chiến lược tái cân bằng của Mỹ là được “cắt cúp” theo nhu cầu của các đối tác trong khu vực. Ông giải thích việc Mỹ đưa 4 LCS đến đồn trú luân phiên tại Singapore - hiện chỉ mới có tàu USS Freedom đến hôm 18.4 - được điều chỉnh theo điều kiện địa hình và nhu cầu của khu vực. Ông cho biết tới năm 2020, sẽ có tổng cộng 7 LCS trong vùng biển quanh Đông Nam Á và 3 tàu hỗn hợp cao tốc. Ngoài ra, hiện Mỹ đang đóng mới hoặc tái thiết tổng cộng 47 chiến hạm cho mục tiêu tái cân bằng. Tuy nhiên, những con tàu này “không chỉ để chiến đấu, mà sẽ được dùng nhiều cho mục đích nhân đạo”, ông Greenert khẳng định.
Cùng thông điệp như Mỹ, người đứng đầu Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản Katsutoshi Kawano cũng thừa nhận biển Đông nói riêng, Thái Bình Dương nói chung và Ấn Độ Dương là “huyết mạch” của nền kinh tế nước này. Nhật Bản mong muốn chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm hải dương và quân y trên biển, cũng như tạo dựng quan hệ tin cậy và ổn định với các quốc gia trong khu vực.
Thục Minh
(VP Singapore)
>> Tàu chiến Úc gia nhập nhóm chiến hạm Mỹ ở Nhật
>> Chiến hạm Trung Quốc áp sát Senkaku/Điếu Ngư
>> Chiến hạm cận bờ của Mỹ đã đến Singapore
>> Mỹ điều chiến hạm thứ hai đến khu vực bán đảo Triều Tiên
>> Hải quân Nga sẽ nhận gần 80 chiến hạm
>> Chiến hạm đổ bộ Singapore thăm Đà Nẵng
>> Siêu chiến hạm Nhật có thể tuần tra biển Đông
>> Lộ diện thiết kế siêu chiến hạm Anh
>> Chiến hạm chủ lực của Đức trên Địa Trung Hải
>> Chiến hạm Ấn Độ sẽ đi qua biển Đông
>> Chiến hạm Nga đến Trung Quốc tập trận
Bình luận (0)