Mỹ phẩm hàng hiệu… giá chợ!

Mỹ phẩm hàng hiệu… giá chợ!

01/04/2017 07:25 GMT+7

Son, kem dưỡng, nước hoa hàng hiệu giá cực rẻ không chỉ xuất hiện trong các khu chợ cho sinh viên, công nhân mà còn được bày bán tại những nơi được coi là biểu tượng văn hóa của thành phố.

Đáng nói là trên các trang mạng bán hàng uy tín, cũng không thiếu hàng hiệu nhái, giả.
Hàng dỏm “đội lốt” xách tay
Nhiều gian hàng bán mỹ phẩm tại chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) là nơi hội tụ đầy đủ các thương hiệu mỹ phẩm nổi tiếng. Khách hàng đến đây tha hồ mà lựa chọn. Tất cả các dòng son từ tầm trung như Revlon, Bourjois đến các dòng cao cấp hơn như MAC, Max Factor, Lancôme... được bày la liệt, lẫn lộn trên kệ và trong tủ kính. Phấn mắt, phấn má, kem che khuyết điểm, mascara cũng tương tự, đa số vỏ hộp cũ mèm, có loại còn không có vỏ, không biết đã được trưng từ bao giờ.
Ghé vào sạp hàng đầu tiên của dãy bán mỹ phẩm, chị chủ cửa hàng tên N. niềm nở chào hàng: “Tất cả các sản phẩm trong cửa hàng của chị đều là hàng xách tay, chính hãng, mỹ phẩm ngoại nhập nhưng giá cả thì hấp dẫn vô cùng, chỉ rẻ bằng một nửa so với hàng chính hãng. Đơn cử, son Max Factor - Elixir Lipstick nếu tại cửa hàng chính hãng giá niêm yết 350.000 đồng/cây thì ở đây giá chỉ còn một nửa là 170.000 đồng. Mascara của Maybelline chỉ từ 60.000 - 80.000 đồng tùy loại, trong khi giá chính hãng là 125.000 đồng cho loại rẻ nhất (Hyper Curl 9,2 ml) và 205.000 đồng cho cây đắt nhất (Falsies 9,2 ml). Phấn mắt L’Oreal HiP Studio Secrets 2 màu 2,2 gr giá 80.000 đồng, chưa bằng 1/3 giá bán trên trang web chính thức của L’Oreal VN (250.000 đồng)... Tất cả các sản phẩm này đều được chị chủ tiệm cho thử thoải mái, thậm chí khách không có nhu cầu chị cũng nhiệt tình chào “cứ thử đi em, thử mới thấy, son của chị lên màu đẹp lắm”. Tuy nhiên, khi chúng tôi ngỏ ý muốn mua cây mới còn niêm phong như hàng chính hãng, chị trả lời ráo hoảnh “loại này không có hàng thử” rồi gói cây son đang dùng thử dúi cho chúng tôi.
Ở cửa hàng kế bên, chủ cửa hàng nói bán hàng cao cấp và lấy từ tủ kính ra một hộp kem nền Estee Lauder Double Ware có giá 650.000 đồng, đon đả mời: “Đây là hàng cao cấp nên giá hơi cao. Em mua ở đây thì mới có giá này chứ vào cửa hàng phải hơn triệu”. Khi được hỏi chị lấy hàng ở đâu mà được giá rẻ vậy, người này giải thích: “Hàng người quen xách tay từ nước ngoài về, không thuế má nên mới có giá này. Một số loại, người ta mua về nhưng không dùng, bán lại giá rẻ. Cái này hàng mới nguyên tem nguyên mác”, chị bán hàng giới thiệu.
Tới chợ, giá chỉ còn một nửa


Dù ở ngay kế bên nhưng L. không bao giờ mua mỹ phẩm trong chợ vì “đồ lộn xộn lắm, không biết đằng nào mà lần, có lần mua cây mascara về dùng mà để chưa được 2 tuần đã vón cục rồi, nên không dám mua nữa

Chị L., nhân viên quầy bán nước giải khát ở chợ Bến Thành

Ở nhiều chợ, các mẫu nước hoa mang thương hiệu nổi tiếng thế giới cũng rẻ một cách khó hiểu. Một lọ Bebe Sheer dung tích 100 ml có giá niêm yết chính hãng là 1.020.000 đồng thì tại sạp LP (chợ Bến Thành) chỉ còn 350.000 đồng. Sau khi mặc cả, giá cuối cùng chỉ còn 320.000 đồng cho sản phẩm được giới thiệu là đang hot này.
Đặc biệt, về bao bì, các loại nước hoa ở chợ đều được in ấn thương hiệu, mẫu mã giống hệt với hàng chính hãng. Nhưng nếu để ý kỹ sẽ thấy các chai đựng nước hoa tại đây có màu xỉn, các dòng chữ in nổi thô, không sắc nét, thậm chí đôi khi còn có chữ in bị sai chính tả. Một điểm khác biệt là người bán hàng ngoài chợ rất hào phóng khi xịt thử, dùng thử nước hoa, mỹ phẩm hàng hiệu. Muốn xịt, quết, bôi... bao nhiêu, khách thoải mái.
Nói chuyện với một du khách Úc lần đầu đến tham quan chợ Bến Thành (Q.1, TP.HCM) hỏi có ý định mua mỹ phẩm hay nước hoa hàng hiệu giá mềm ở đây không, chị lắc đầu quầy quậy. “Tôi chỉ muốn mua đồ lưu niệm hay thưởng thức các món truyền thống chứ mỹ phẩm thì phải vào cửa hàng chính hãng hoặc mua tại các trang mạng bán hàng của chính hãng. Không hiểu sao các hãng nước hoa, mỹ phẩm lớn như vậy mà lại trưng bày thế này. Với lại giá rẻ thế này, chắc chỉ có ở Black Friday (ngày giảm giá lớn trong năm ở các nước phương Tây - NV). Bình thường không có đâu”, vị này nói. L., nhân viên quầy bán nước giải khát ngay trong chợ Bến Thành, thừa nhận: “Dù ở ngay kế bên nhưng L. không bao giờ mua mỹ phẩm trong chợ vì “đồ lộn xộn lắm, không biết đằng nào mà lần, có lần mua cây mascara về dùng mà để chưa được 2 tuần đã vón cục rồi, nên không dám mua nữa”.
Web thật vẫn có hàng giả
Đây là tình trạng chung của hầu hết các mặt hàng sản phẩm, đặc biệt là đồ chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp được rao bán trên các trang thương mại điện tử lớn như Lazada (lazada.vn), Sendo (sendo.vn)... Các trang thương mại điện tử này kinh doanh dưới hai hình thức: thứ nhất là tự nhập hàng từ các thương hiệu lớn, tự bán và giao hàng. Hình thức thứ hai và cũng là nguồn thu chủ yếu là ký kết với những đơn vị, doanh nghiệp khác bên ngoài có nhu cầu đăng ký gian hàng trên trang chủ của công ty. Chỉ bán hàng trực tuyến nên việc kiểm soát chất lượng hàng hóa của các đối tác bán hàng không phải là chuyện đơn giản. Đây là cơ hội cho những nhà cung cấp tuồn hàng giả vào nơi “xịn”.
Trên trang Sendo, tìm kiếm các sản phẩm chăm sóc da, không khó để nhận biết hàng giả vì các loại hàng này không ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ, mẫu mã y hệt hàng thật nhưng giá “bèo” hơn rất nhiều. Cụ thể, gel trị mụn và làm mờ vết thâm Clean Face Spot Corrector The Face Shop tại cửa hàng có giá 269.000 đồng nhưng lên tới Sendo giá chỉ còn 85.000 đồng, chưa bằng 1/3. Kem Eldas Serum tế bào gốc chống lão hóa, phục hồi tái tạo da xuất xứ Hàn Quốc đề giá 70.000 đồng trong khi giá đặt mua tại cửa hàng chuyên mỹ phẩm Hàn Quốc tại TP.HCM sau khi đã giảm 40% vẫn còn 1,45 triệu đồng.
Là thành viên của Lazada Group, Lazada.vn không ít lần bị khách hàng đòi tẩy chay vì hàng nhái "dạt" vào quá nhiều. Trang Anh, một khách hàng thường xuyên mua sắm trực tuyến, chia sẻ: “Mua hàng trên Lazada phải xem kỹ thông tin, nếu là hàng do chính Lazada nhập về bán thì còn tin tưởng được, chứ các đối tác thì hên xui, đặc biệt ham rẻ mà mua thì dính hàng rởm như chơi”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.