Mỹ - Philippines tập trận tại biển Sulu

16/06/2011 00:16 GMT+7

Mỹ chỉ định 3 tàu chiến tham gia cùng với 4 tàu của Hải quân Philippines trong cuộc tập trận chung tại biển Sulu vào ngày 28.6.

Phát ngôn viên Hải quân Philippines, trung tá Omar Tonsay, hôm qua cho biết tổng cộng sẽ có 3 tàu chiến của Mỹ tham gia đợt tập trận chung giữa 2 nước tại vùng biển phía đông tỉnh Palawan. Theo tờ Philippine Daily Inquirer, một trong số đó là chiến hạm USS Chung-Hoon, từng hỗ trợ tàu thăm dò Impeccable khi chiếc tàu này bị Trung Quốc “làm phiền” ở biển Đông vào năm 2009. Dưới quyền trung tá Stephen S.Erb, tàu khu trục USS Chung-Hoon có trọng tải khoảng 9.200 tấn, thuộc lớp Arleigh - Burke được trang bị radar Aegis, cùng nhiều tên lửa phòng không, đối hạm, chống ngầm và cả tên lửa hành trình Tomahawk. Một tàu khu trục khác cũng thuộc lớp Arleigh-Burke tham gia tập trận lần này là USS Howard, cùng tàu tìm kiếm và cứu hộ USNS Safeguard, từng được sửa chữa tại xưởng đóng tàu Cam Ranh vào đầu năm 2010.

 
Sơ đồ vị trí tập trận - đồ họa: Phúc Hải

Mỹ - ASEAN diễn tập hải quân

Cuộc tập trận chung mang tên Hợp tác và huấn luyện Đông Nam Á (SEACAT) đã được khởi động vào ngày 14.6 và được dự tính sẽ kéo dài trong 10 ngày. Tham gia cuộc tập trận chung với Mỹ lần này là Hải quân các nước ASEAN gồm Philippines, Brunei, Indonesia, Malaysia, Singapore và Thái Lan, tại biển Sulu, eo Malacca và biển Celebes. SEACAT là cuộc tập trận thường niên do Mỹ khởi xướng, với mục tiêu huấn luyện chống khủng bố, tội phạm xuyên quốc gia "và các mối đe dọa khác trên biển".

Thông tin trên đã được công bố sau khi Mỹ lên tiếng ủng hộ Philippines về vấn đề biển Đông. Sau khi Đô đốc Robert Willard, Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, tuyên bố Washington không đứng về bên nào trong một cuộc tranh chấp tại vùng biển trên, đến hôm 14.6, Đại sứ Mỹ tại Manila là Harry Thomas lại khẳng định với Tổng thống Benigno Aquino III rằng: người Mỹ sẽ sát cánh với Philippines trong mọi vấn đề, bao gồm cả biển Đông. Bên cạnh việc tranh thủ sự ủng hộ của đồng minh Mỹ, phía Philippines tiếp tục xúc tiến chuyện trang bị thêm vũ khí, khí tài. Tờ Philippine Daily Inquirer đưa tin trong tháng 8 này chiếc tàu BRP Gregorio Del Pilar, được mua từ Hải quân Mỹ, sẽ đến căn cứ Carlito Cunanan, cách Reed Bank (Bãi Cỏ Rong) 260 km. Ngoài ra, AFP dẫn lời phát ngôn viên Tonsay cho hay Hải quân Philippines hồi tháng 5 đã nhổ những cột mốc “lạ” bằng gỗ cắm trên các đảo đá ngầm Amy Douglas Bank và Reed Bank trong vùng biển phía tây Philippines, trước khi Manila chính thức lên tiếng phản đối tàu Trung Quốc “quấy rối” tàu của họ.

Phía Trung Quốc một mặt yêu cầu giải quyết vấn đề biển Đông bằng hòa bình, mặt khác cũng có động thái quân sự trên biển. Báo Sankei Shimbun của Nhật Bản đưa tin đội tàu chiến gồm 11 chiếc, trong đó có tàu khu trục trang bị tên lửa và tàu hộ tống của Trung Quốc đã tiến xuống tận vùng biển phía đông bắc Philippines, cách Okinawa của Nhật Bản khoảng 1.500 km vào hôm 13.6. Đây cũng là đội tàu chiến đã đi qua vùng biển giữa đảo Okinawa và Miyako của Nhật Bản. Cùng đi với nhóm này là các tàu ngầm. Theo đánh giá của giới chuyên gia, động thái trên cho thấy Trung Quốc đang thực hiện ý đồ chọc thủng “tuyến đảo thứ nhất”, nối Kyushyu của Nhật Bản với Đài Loan và Philippines, nơi Mỹ đang có uy thế về hải quân, để tiến ra “tuyến đảo thứ hai” nối giữa Guam, Papua New Guinea và Ogasawara của Nhật Bản. Sau khi tăng cường đáng kể cho hạm đội Nam Hải, Bắc Kinh bắt đầu chuyển trọng tâm sang huấn luyện ở vùng biển xa hơn. Sự hiện diện của đội tàu chiến Trung Quốc vừa qua cũng được cho là hành động thị uy nhằm vào đảo Guam, một căn cứ chiến lược của Mỹ.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.