(TNO) Liệu Mỹ và phương Tây có quay lưng lại với Ukraine khi tuyên bố không tiếp tục cung cấp hỗ trợ quân sự cho chính phủ của Tổng thống Petro Poroshenko vì cho rằng Kiev kém năng lực trong sử dụng những hỗ trợ đó?
Tổng thống Petro Poroshenko (thứ hai từ trái sang) thị sát quân đội Ukraine - Ảnh: Reuters
|
Trong buổi phỏng vấn trên kênh truyền hình quốc gia phát hôm 10.9, Tổng thống Ukraine, ông Petro Poroshenko nói rằng trong một lần gặp gần đây, Mỹ và châu Âu đã thẳng thắn từ chối lời đề nghị giúp đỡ từ Kiev, khiến người đứng đầu chính phủ Ukraine cảm thấy bất ngờ và choáng váng.
“Một năm trước chúng ta không có bạn bè, không ai tin chúng ta. Bây giờ tôi có thể thông báo tình hình với mọi người là khi tôi đề nghị Mỹ và châu Âu cung cấp hỗ trợ quân sự cho chúng ta, thì nhận câu trả lời ‘không, chúng tôi không thể giúp đỡ’ từ họ”, Tổng thống Poroshenko nói trên chương trình “Prime Time with Myroslava Gongadze” (tạm dịch: Giờ vàng với Myroslava Gongadze).
“Với tư cách là Tổng thống, tôi cảm thấy rất sốc khi nghe câu trả lời đó”, ông Poroshenko được hãng thông tấn Interfax của Ukraine trích phát biểu. Theo Tổng thống Ukraine, Mỹ và châu Âu giải thích rằng vì Ukraine không có một quân đội đủ mạnh và có năng lực để tiếp nhận và sử dụng hiệu quả những trợ giúp của Mỹ và châu Âu.
Một lý do nữa khiến Kiev không có thêm hỗ trợ quân sự từ Mỹ và châu Âu là tình trạng tham nhũng trong quân đội. Chính điểm yếu này mà gián điệp Nga dễ dàng xâm nhập vào quân đội của Ukraine. “Những gì chúng tôi cung cấp cho Ukraine đều được kết thúc ở Nga”, Tổng thống Ukraine nhắc lại lời giải thích của Mỹ và châu Âu khi đưa ra lời từ chối, theo Interfax, với hàm ý nhắc đến vũ khí và các phương tiện quân sự trang bị cho quân đội Ukraine.
Mỹ và châu Âu chỉ viện trợ cho Ukraine nếu Kiev có một quân đội đúng nghĩa. Điều đó đòi hỏi Kiev phải cải tổ lại quân đội, mà theo tổng thống Poroshenko thì các tình nguyện viên sẽ góp phần và đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong quân đội mới của Ukraine.
Từ sau khi Moscow sáp nhập Crimea vào Nga hồi năm 2014, Mỹ và phương Tây bắt đầu ủng hộ quân sự, khí tài cho Ukraine để đối phó với Nga. Mỹ và phương Tây cáo buộc Moscow ủng hộ lực lượng thân Nga ở miền đông Ukraine đòi độc lập cho vùng Donbass và chống lại chính phủ của ông Poroshenko.
Tuy nhiên, Nga phủ nhận những cáo buộc này, theo Sputnik. Hãng tin Nga cho biết Tổng thống Poroshenko từ chối đàm phán với lãnh đạo của hai nhà nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Lugansk ở vùng Donbass. Sputnik cho rằng việc từ chối này sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện thỏa thuận ngừng bắn Minsk mà các bên đạt được hồi tháng 2.2015.
Bình luận (0)