Mỹ quyết định tái gia nhập UNESCO

12/06/2023 22:27 GMT+7

UNESCO ngày 12.6 thông báo Mỹ dự kiến tái gia nhập tổ chức này vào tháng 7, chấm dứt mâu thuẫn kéo dài nhiều năm dẫn đến việc Washington rút ra vào năm 2018.

Mỹ là thành viên sáng lập của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) và là nước đóng góp tài chính lớn cho tổ chức cho đến năm 2011, khi Palestine được kết nạp làm thành viên.

Mỹ và Israel khi đó ngừng đóng góp tài chính cho UNESCO và Washington chính thức rút khỏi tổ chức của LHQ vào tháng 12.2018. Chính quyền Tổng thống Donald Trump (2017-2021) cáo buộc UNESCO quản lý kém và thiên kiến đối với Israel.

Mỹ quyết định tái gia nhập UNESCO - Ảnh 1.

Logo UNESCO tại trụ sở của tổ chức tại Paris, Pháp

REUTERS

Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách quản lý và tài nguyên Richard Verma tuần trước trình đơn xin tái gia nhập lên Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay, theo AP. Ông Verma lưu ý những tiến triển trong việc thảo luận phi chính trị hóa về Trung Đông tại UNESCO và cải cách quản lý của tổ chức.

Bà Azoulay, một người Do Thái, từ khi được bầu làm Tổng giám đốc UNESCO vào năm 2017, đã nỗ lực khôi phục sự hiệu quả và lòng tin đối với tổ chức này, đặc biệt là những cải cách để giải quyết lý do khiến Mỹ rút ra.

Bà Azoulay thông báo kế hoạch của Mỹ với các đại sứ trong cuộc họp ngày 12.6 và nhận được sự hoan nghênh trong khán phòng.

Theo kế hoạch, Mỹ sẽ trả khoản nợ tính đến năm 2023, cộng thêm 10 triệu USD đóng góp thêm trong năm nay cho việc giáo dục về nạn diệt chủng người Do Thái, gìn giữ di sản văn hóa tại Ukraine, đảm bảo an toàn cho nhà báo và việc giáo dục khoa học-công nghệ tại châu Phi.

Chính quyền Tổng thống Biden đã đề nghị khoản tiền 150 triệu USD trong ngân sách năm 2024 để trả nợ cho UNESCO và sẽ đề nghị mức tương tự trong các năm tiếp theo cho đến khi trả hết số nợ 619 triệu USD.

Ngân sách hoạt động hằng năm của UNESCO là 534 triệu USD. Trước khi rút ra, Mỹ đóng góp đến 22% trong tổng ngân sách của tổ chức.

Dự kiến, 193 thành viên UNESCO sẽ bỏ phiếu về việc tái kết nạp Mỹ vào tháng 7.

Mỹ quyết định tái gia nhập UNESCO - Ảnh 2.

Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay phát biểu ngày 12.6 về đề nghị tái gia nhập của Mỹ

AFP

Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách quản lý John Bass hồi tháng 3 nói rằng sự vắng mặt của Mỹ đã giúp tăng cường ảnh hưởng của Trung Quốc. Ông khẳng định UNESCO là tổ chức chủ chốt trong việc thiết lập tiêu chuẩn cho giáo dục công nghệ và khoa học trên thế giới, nên nếu Mỹ thật sự nghiêm túc trong việc cạnh tranh với Trung Quốc trong kỷ nguyên số, Washington không thể vắng mặt nữa.

Đại sứ Trung Quốc tại UNESCO Dương Tiến nói cảm kích nỗ lực của UNESCO trong việc đưa Mỹ quay trở lại, vì sự thiếu vắng đã "gây tác động tiêu cực" lên công việc của tổ chức này.

"Làm một thành viên của tổ chức quốc tế là một vấn đề nghiêm túc, và chúng tôi hy vọng lần trở lại này của Mỹ đồng nghĩa họ thừa nhận sứ mệnh và những mục tiêu của tổ chức", ông Dương nói.

Mỹ gia nhập UNESCO vào năm 1945 nhưng rút khỏi vào năm 1984 nhằm phản đối cáo buộc quản lý tài chính yếu kém và sự thiên kiến đối với Mỹ. Năm 2003, chính quyền Mỹ thời Tổng thống George W. Bush tái gia nhập UNESCO vì nói rằng tổ chức này đã có những cải cách cần thiết.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.